Giá dầu châu Á phục hồi trong phiên 10/3

Giá dầu châu Á phục hồi trong phiên 10/3

Trong phiên 10/3 tại châu Á, giá dầu Brent tăng 2,53 USD, hay 2,28%, lên 113,67 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,64 USD, hay 1,51%, lên 110,34 USD/thùng.
Giá dầu châu Á phục hồi trong phiên 10/3. Ảnh: TTXVN phát

Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên 10/3, sau khi giảm mạnh trong phiên trước, do các nhà giao dịch đánh giá liệu các nước sản xuất lớn có tăng nguồn cung để bù vào phần sụt giảm nguồn cung từ Nga hay không.
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 2,53 USD, hay 2,28%, lên 113,67 USD/thùng vào lúc 13 giờ 51 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent kỳ hạn đã giảm 13% trong phiên trước, mức giảm trong ngày lớn nhất trong gần hai năm.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tăng 1,64 USD, hay 1,51%, lên 110,34 USD/thùng. Giá dầu WTI kỳ hạn giảm 12,5% trong phiên trước, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2021.
Việc chưa rõ ở đâu và khi nào sẽ có nguồn cung dầu thô thay thế Nga, nước xuất khầu dầu lớn thứ hai thế giới, trong khi thị trường đã thắt chặt đã dẫn tới dự báo về giá dầu nằm trong khoảng rộng 100-200 USD/thùng.
Những phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei và Đại sứ nước này tại Mỹ đưa ra những tín hiệu trái chiều.
Ông al-Mazrouei ngày 9/3 khẳng định UAE cam kết thực hiện thỏa thuận hiện nay của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+,  trong việc tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, sau khi cắt giảm mạnh trong năm 2020.
Chỉ vài giờ trước đó, giá dầu đã giảm mạnh sau phát biểu của Đại sứ UAE tại Mỹ rằng nước này khuyến khích OPEC cân nhắc việc tăng sản lượng để bù vào nguồn cung thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine.
Các quan chức UAE có những phát biểu trên khi thị trường trông đợi vào các động thái của Mỹ trong việc nới lỏng trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela và các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, từ đó mở đường để nguồn cung dầu từ nước này gia tăng trong năm nay.
Trong khi UAE và Saudi Arabia vẫn có khả năng tăng công suất, một số nước sản xuất khác trong OPEC+ gặp khó khăn để có thể đạt mục tiêu sản lượng./.

Lê Thị Minh

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *