Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần phiên sáng 10/10

Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần phiên sáng 10/10

Hai hợp đồng dầu chủ chốt đã giảm xuống cùng với thị trường chứng khoán châu Á, giữa bối cảnh hoạt động giao dịch mỏng do thị trường Nhật và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ.

Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần trong phiên 10/10 trong bối cảnh thị trường chốt lời sau mức tăng mạnh trong tuần trước do đồn đoán nguồn cung thắt chặt hơn khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (hay còn gọi là OPEC+) cắt giảm sản lượng và trước thềm Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm vận lên dầu Nga.

Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần phiên sáng 10/10. Ảnh: TTXVN phát

Sáng 10/10, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 81 xu Mỹ (0,8%) xuống 97,11 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 76 xu Mỹ (0,8%) xuống 91,88 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8 trong phiên trước đó, nhưng sau đó đã giảm xuống cùng với thị trường chứng khoán châu Á giữa bối cảnh hoạt động giao dịch mỏng do thị trường Nhật và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Chuyên gia phân tích Tina Teng thuộc công ty CMC Markets nhận định hoạt động chốt lời có lẽ là lý do chính gây sức ép cho giá dầu trong phiên này, sau 5 phiên tăng giá liên tục trong tuần trươc.
Dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ tháng 3/2022 trong tuần trước sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Động thái trên của OPEC+, diễn ra trước lúc EU áp lệnh cấm vận dầu Nga, sẽ siết chặt nguồn cung, vốn đã eo hẹp. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với các sản phẩm dầu và dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực lần lượt vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023.
Các nhà phân tích của ING cho biết việc cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu tăng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất ổn khác trên thị trường, trong đó có cả việc nguồn cung dầu của Nga sẽ ra sao do lệnh cấm dầu của EU và việc G7 áp trần giá dầu, cũng như triển vọng nhu cầu do bức tranh vĩ mô xấu đi.
Các nhà phân tích tại các ngân hàng và công ty môi giới đã nâng dự báo giá dầu thô và dự đoán dầu Brent sẽ tăng trên 100 USD/thùng trong những tháng tới.
Chuyên gia Teng của CMC cho biết việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế COVID-19 trong quý IV/2022 và năm 2023 có thể khiến nhu cầu dầu phục hồi và khiến giá dầu tăng thêm.
Ngày 7/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập một nhà điều hành mới cho dự án dầu khí Sakhalin-1 do Exxon Mobil Corp điều hành ở vùng Viễn Đông của Nga.
Sản lượng dầu tại dự án Sakhalin-1 đã giảm xuống chỉ còn 10.000 thùng/ngày trong tháng 7/2022 so với mức 220.000 thùng/ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine./. 

Minh Hằng (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *