Giá dầu châu Á tăng trong phiên 30/11​

Giá dầu châu Á tăng trong phiên 30/11​

Khả năng cao OPEC+ sẽ giữ nguyên sản lượng tại cuộc họp sắp tới đã hạn chế đà tăng của giá dầu.

Giá dầu châu Á tăng trong phiên ngày 30/11 nhờ số liệu về dự trữ dầu thô Mỹ giảm, đồng USD xuống giá và một số lạc quan về triển vọng nhu cầu và kinh tế của Trung Quốc.

Giá dầu châu Á tăng trong phiên 30/11​. Ảnh: AFP/ TTXVN
 
Tuy vậy, khả năng cao Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ giữ nguyên sản lượng tại cuộc họp sắp tới đã hạn chế đà tăng của giá dầu.

Trong phiên chiều 30/11, giá dầu Brent biển Bắc có lúc tăng 70 xu Mỹ (0,84%) lên 83,73 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 56 xu Mỹ (0,72%) xuống 78,76 USD/thùng.
Một yếu tố giúp hỗ trợ giá dầu là dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm khoảng 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/11, theo số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) đưa ra ngày 29/11. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra ngày 30/11 theo giờ địa phương.
Tâm lý lạc quan về Trung Quốc cũng đã thúc đẩy thị trường. Nhà phân tích thị trường Tina Teng của công ty tài chính CMC Markets (Anh) cho biết số liệu về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 11 yếu kém của Trung Quốc, công bố sáng 30/11, đã được thị trường nghiên cứu kỹ lưỡng trong bối cảnh sự lạc quan gần đây về việc mở cửa trở lại đã lấn át số liệu kinh tế yếu kém này.
Trung Quốc đã báo cáo số ca mắc COVID-19 ít hơn so với ngày 29/11, trong bối cảnh thị trường đồn đoán các cuộc biểu tình cuối tuần có thể thúc đẩy dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế đi lại do COVID-19. Quảng Châu, một thành phố phía nam Trung Quốc, đã nới lỏng các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh ở một số quận ngày 30/11.
Theo phó Chủ tịch cấp cao phụ trách bộ phận phân tích của công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy), ông Claudio Galimberti, giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức cao 90 USD/thùng và WTI ở mức khoảng 83 USD/thùng trong nửa đầu tháng 12/2022.
Về vấn đề nguồn cung, cuộc họp trực tuyến ngày 4/12 tới của OPEC+ hầu như báo hiệu rất ít khả năng thay đổi chính sách. Kỳ vọng về nhu cầu ngày càng tăng khiến tổ chức này nghiêm túc xem xét việc cắt giảm sản lượng./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *