Giá dầu năm 2022 sẽ không đạt các mức của năm ngoái

Giá dầu năm 2022 sẽ không đạt các mức của năm ngoái

 Trong năm 2022, giá dầu thế giới sẽ không đạt các mức cao được ghi nhận trong năm ngoái, do nguồn cung năng lượng dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường.
Một cơ sở lọc dầu tại Nasiriyah, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, báo Arab News của Saudi Arabia ngày 3/1 dẫn nhận định của nhà phân tích dầu mỏ Kuwait, Mohammed Al-Shatti, cho rằng trong năm 2022, giá dầu thế giới sẽ không đạt các mức cao được ghi nhận trong năm ngoái, do nguồn cung năng lượng dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường.

Năm 2021 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu trên thị trường toàn cầu, đảo ngược đà giảm của những năm trước đó. Sau khi giao dịch ở mức 85 USD/thùng vào cuối tháng 10/2021, giá dầu Brent đã giảm mạnh xuống còn 69 USD/thùng vào đầu tháng 12/2021.

Tuy nhiên, giá dầu này đã phục hồi sau đó và hiện giao dịch trên mức 70 USD/thùng. Nhà phân tích Al-Shatti cho rằng giá dầu năm 2022 sẽ không thể đạt mức cao như vậy do nguồn cung sẽ tăng nhanh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo đánh giá của chuyên gia Al-Shatti, các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ thế giới đang hết sức quan tâm đến cuộc họp ngày 4/1 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, cho dù liên minh này được cho là sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày hiện nay.

Trước thềm cuộc họp của OPEC+, giá dầu giao dịch ngày 3/1 đã tăng hơn 1%. Giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 2 tăng 1,2%, lên 76,08 USD/thùng trên sàn giao dịch New York, trong khi giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 1,5%, lên 78,98 USD/thùng trên sàn giao dịch London.

Chuyên gia Al-Shatti đánh giá bất chấp sự lây lan nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong thời gian qua, niềm tin của thị trường dầu mỏ đã được cải thiện gần đây, vì hầu hết các chính phủ trên thế giới dường như có xu hướng bảo vệ nền kinh tế của họ bằng cách áp đặt các hạn chế đi lại linh hoạt, thay vì các biện pháp đóng cửa hoàn toàn.

Biến thế Omicron có thể sẽ có “tác động thấp hơn” đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù lĩnh vực hàng không có thể sẽ bị ảnh hưởng khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trên thế giới.

Nhà phân tích Al-Shatti cũng cho rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu tiềm tàng có thể sẽ hỗ trợ phần nào cho giá dầu, tương tự như trường hợp bất khả kháng làm gián đoạn hoạt động của các cảng dầu Al-Zawiya và Mellitah ở Libya, và tình trạng mưa lớn ở Ecuador dẫn đến việc đóng cửa một số cơ sở khai thác dầu mỏ của nước này.

Song, theo ông Al-Shatti, trong năm nay, giá dầu sẽ khó có thể đạt được các mức của năm ngoái./.

Nguyễn Trường/TTXVN

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *