Giá dầu thế giới chứng kiến 3 phiên giảm liên tiếp

Giá dầu thế giới chứng kiến 3 phiên giảm liên tiếp

Giao dịch tuần qua, giá dầu thế giới chứng kiến 3 phiên giảm liên tiếp, giữa bối cảnh quan hệ thương mại căng thẳng Mỹ-Trung và thống kê bất lợi về dự trữ dầu “đè nặng” lên tâm lý của các nhà đầu tư.

Giá dầu thế giới chứng kiến một tuần “ảm đạm”. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù lấy lại đà tăng trong hai phiên cuối tuần, giá dầu vẫn ghi nhận một tuần đi xuống, với giá dầu Brent giảm hơn 5% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm khoảng 2%.

Trong phiên đầu tuần (5/8), giá dầu Brent giảm hơn 3%, do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Điều có thể làm hạn chế nhu cầu từ hai nhà mua “vàng đen” lớn nhất thế giới này.

Hai loại dầu chủ chốt trên thị trường đã giảm hơn 7% trong phiên 1/8 xuống mức thấp nhất của 7 tuần, sau khi Mỹ thông báo sẽ áp thuế 10% lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9 tới, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục tăng thuế nếu Trung Quốc không nhanh chóng tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 6/8, trong đó giá dầu Brent giảm xuống gần mức thấp nhất trong 7 tháng khi tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng gây quan ngại về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Sang phiên giao dịch ngày 7/8, cả hai loại dầu thô đều giảm hơn 2,5 USD, khi dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng, trong bối cảnh tiếp tục có những lo ngại về việc nhu cầu năng lượng toàn cầu yếu đi.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 7/8 cho biết, trong tuần kết thúc ngày 2/8, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 2,4 triệu thùng so với tuần trước đó. Với 438,9 triệu thùng hiện nay, lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng khoảng 2% so với mức trung bình của 5 năm qua. Đáng chú ý, lượng dầu thô mà Mỹ nhập khẩu trong tuần trước đạt trung bình 7,1 triệu thùng/ngày, tăng 485.000 thùng/ngày so với tuần trước đó.

Tới phiên giao dịch ngày 8/8, giá dầu phục hồi, khi tăng hơn 2% trước những đồn đoán rằng giá “vàng đen” giảm sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đẩy mạnh cắt giảm sản lượng, cùng với đó là sự phục hồi của đồng NDT sau một tuần giảm giá do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty OANDA ở New York, cho rằng với tình hình giá dầu đang ở các mức thấp như hiện nay, OPEC rất có thể sẽ cân nhắc việc gia tăng các nỗ lực cắt giảm sản lượng trước thềm cuộc họp quan trọng sắp diễn ra tại Abu Dhabi.

Trong phiên cuối tuần (9/8), giá dầu tiếp tục đi lên, nhờ báo cáo cho thấy dự trữ dầu của châu Âu sụt giảm và kế hoạch cân bằng thị trường của Saudi Arabia. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,15 USD (2%) lên 58,53 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 1,96 USD (3,7%) lên 54,50 USD/thùng.

Các chuyên gia nhận định giá dầu tăng lên sau thống kê cho thấy dự trữ dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ tại 16 quốc gia châu Âu trong tháng Bảy giảm thấp hơn so với tháng Sáu. Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được hỗ trợ từ kế hoạch kiềm chế xuất khẩu mới đây của Saudi Arabia.

Ngày 8/8, quốc gia Trung Đông này thông báo kế hoạch duy trì lượng dầu thô xuất khẩu dưới mức 7 triệu thùng/ngày trong tháng 8-9/2019, dù nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng cao. Đây được cho là một động thái giúp giảm lượng dầu dự trữ trên thế giới, cũng như đưa thị trường nhiên liệu về mức cân bằng.

Tuy nhiên, tính đến nay, giá dầu vẫn giảm khoảng 20% so với mức đỉnh hồi tháng Tư. Báo cáo hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 9/8 cho biết những dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu cùng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong bản báo cáo, IEA cho biết tình hình đang trở nên ngày càng bất ổn khi nhu cầu dầu trên toàn thế giới đã tăng trưởng rất chậm chạp trong giai đoạn từ tháng 1-5/2019, với mức tăng 520.000 thùng/ngày.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *