Giá dầu thế giới ghi nhận tuần đi xuống

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần đi xuống

Mặc dù phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần song đà giảm trước đó vẫn khiến giá dầu thế giới chứng kiến tuần đi xuống.
Trong ảnh (tư liệu): Cơ sở khí ga hóa lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng của Qatar ở thành phố công nghiệp Ras Laffan, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ thảo thuận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp, song đà giảm trước đó vẫn khiến giá dầu thế giới chứng kiến tuần đi xuống.
Phiên đầu tuần này, ngày 29/8, giá dầu thế giới tăng hơn 4% trước khả năng các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng và xung đột tại Libya. Mặc dù đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế giữa lúc đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh đi tín hiệu lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát, song nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng vấn đề cung không đủ cầu trên thị trường vẫn có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng giá cho “vàng đen”.
Tuy vậy, chỉ ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, giá dầu quay đầu giảm hơn 5% do lo ngại xu hướng giảm tốc tăng trưởng kinh tế do lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Đà giảm của giá dầu kéo dài thêm hai phiên nữa, giảm khi Trung Quốc áp đặt thêm các hạn chế để phòng chống dịch COVID-19, cùng khả năng thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có thể “mở khóa” hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này. Ngoài ra, những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu và việc đồng USD tăng mạnh cũng đã tác động lớn đến thị trường năng lượng.
Tính chung trong tháng Tám, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã mất 9,2%, trong khi giá dầu Brent sụt tới 12%.
Tới phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 2/9), giá dầu tăng trước kỳ vọng OPEC+ sẽ thảo thuận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày 5/9, bất chấp mối lo ngại về các biện pháp phong tỏa phòng COVID-19 của Trung Quốc cũng như sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tuần trước đã đưa ra khả năng cắt giảm sản lượng, trong bối cảnh nguồn cung từ Iran có thể gia tăng nếu nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 66 xu Mỹ, lên 93,02 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 26 xu Mỹ lên 86,87 USD/thùng. Giá của cả hai loại dầu này đều trượt dài xuống mức thấp nhất trong 2 tuần trong các phiên trước. Tính chung cả tuần qua, dầu Brent giảm mạnh 7,9%, và WTI hạ 6,7%.
OPEC+ dự kiến nhóm họp vào ngày 5/9 trong bối cảnh nhu cầu được dự báo sẽ sụt giảm mặc dù nhà sản xuất hàng đầu là Saudi Arabia cho biết nguồn cung vẫn còn khan hiếm.
Ba nguồn tin của OPEC+ cho biết nhiều khả năng OPEC+ sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng dầu cho tháng 10 tại cuộc họp sắp tới, mặc dù một số nguồn tin không loại trừ việc tổ chức này sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá đã trượt khỏi mức cao ngất ngưởng hồi đầu năm.
Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần thứ tư trong vòng 5 tuần. Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Mỹ) cho biết, số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã giảm 5 giàn xuống còn 760 giàn trong tuần tính đến ngày 2/9./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *