Giá dầu thế giới giảm 1%
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài tuần tới đang được tiến hành.
Giá dầu thế giới giảm 1% trong phiên ngày 26/8 giữa lúc triển vọng nguồn cung từ Iran gia tăng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận giữa Washington và Tehran. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế nhờ tâm lý lạc quan về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giá dầu thế giới giảm 1%. Ảnh minh họa: TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 64 xu Mỹ (1,1%) xuống 58,70 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong phiên là 60,17 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 53 xu Mỹ (1%) xuống 53,64 USD/thùng.
Giá dầu thô sụt giảm sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài tuần tới đang được tiến hành, nhằm tìm kiếm giải pháp cho xung đột Mỹ-Iran.
Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015, với lập luận rằng ông muốn một thỏa thuận lớn hơn nhằm hạn chế các hoạt động làm giàu urani của Iran và ngăn chặn Tehran ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm ở Syria, Iraq, Yemen và Lebanon, cũng như kiềm chế chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Trump cũng đã siết chặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran hồi tháng Năm vừa qua.
Nhân tố góp phần hỗ trợ giá vàng là phát biểu mới đây của Tổng thống Trump về căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp), ông Trump nói ông tin tưởng Trung Quốc đang mong muốn đạt được một thỏa thuận.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), trưởng đoàn đám phán Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán “điềm tĩnh” và phản đối bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng thương mại nào.
Giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ mức cao nhất của năm 2019 ghi nhận được hồi tháng Tư, một phần bởi những lo ngại rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung đang làm tổn thương kinh tế toàn cầu, qua đó tác động đến nhu cầu “vàng đen”.
Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ áp thuế bổ sung 5% hoặc 10% lên tổng cộng 5.078 sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, trong đó có dầu thô, nông sản như đậu tương, và máy bay loại nhỏ.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang yêu cầu các công ty nước này xem xét đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc và sản xuất hàng hóa tại Mỹ./.
Nguồn: Minh Hằng (Theo Reuters) – Bnews
Trả lời