Giá dầu thế giới giảm tuần thứ 3 liên tiếp do đà tăng sản lượng của Mỹ

Giá dầu thế giới giảm tuần thứ 3 liên tiếp do đà tăng sản lượng của Mỹ

Thị trường năng lượng ghi nhận tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp với giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WTI mất 0,1%, giá dầu Brent giảm 0,3% do những lo ngại về đà leo dốc của sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường dầu mỏ khởi sắc sau khi một tuyến đường ống dẫn dầu ở khu vực Biển Bắc ngừng hoạt động để sửa chữa.

Tuy nhiên, giá dầu lại đi xuống trong 2 phiên giao dịch ngày 12 và 13/12, do lượng xăng dự trữ của Mỹ tăng vượt mức dự báo mặc dù lượng dầu dự trữ của nước này sụt giảm.

Theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước, giảm nhiều hơn so với dự báo của các nhà phân tích. Trong lúc lượng xăng dự trữ của Mỹ lại tăng 5,7 triệu thùng, cao hơn mức kỳ vọng tăng 2,5 triệu thùng của thị trường.

Sang phiên ngày 14/12, giá dầu phục hồi nhờ sự thiếu hụt nguồn dầu từ nước Anh.

Cả hợp đồng dầu WTI lẫn dầu Brent đều ghi nhận 3 tuần giảm giá liên tiếp.

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/12 nhờ nhận được hỗ trợ từ thông tin hệ thống đường ống Forties tại biển Bắc của Anh phải đóng cửa khắc phục sự cố nứt đường ống và nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn ở mức 57,28 USD/thùng, tăng 26 xu Mỹ, tương đương 0,5% so với đóng cửa phiên trước. Dầu thô Brent kỳ hạn, chuẩn quốc tế đối với giá dầu ở mức 63,47 USD/thùng, tăng 16 xu Mỹ, khoảng 0,25% so với phiên trước.

Nhà điều hành đường ống dẫn dầu Forties ở vùng biển Bắc thuộc Anh cho biết, họ không thể giao hàng giữa bối cảnh việc khắc phục sự cố đường ống bị nứt có thể kéo dài vài tuần. Hệ thống đường ống dẫn dầu Forties, vốn vận chuyển 40% sản lượng dầu và khí đốt của Anh tại khu vực Biển Bắc, với công suất hiện vào khoảng 450.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, những nỗ lực thắt chặt thị trường của OPEC phần nào bị ảnh bởi bởi sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng. Tính đến hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 16% kể từ giữa năm 2016 lên mức 9,78 triệu thùng/ngày, gần bằng sản lượng của hai nước sản xuất dầu lớn là Nga và Ả Rập Saudi.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán thị trường dầu thế giới sẽ dư cung 200.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm tới trước khi chuyển sang tình trạng thiếu cung ở mức tương tự trong nửa cuối năm 2018.

Cũng theo IEA, sản lượng khai thác dầu tại Mỹ trong năm tới nhiều khả năng tăng thêm 870.000 thùng dầu/ngày, cao hơn mức dự báo tăng 790.000 thùng dầu/ngày đưa ra hồi tháng trước.

Tuy vậy, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WTI đã tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, một phần nhờ vào đà sụt giảm của số giàn khoan dầu tại Mỹ.

Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 15/12 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ mất 4 giàn còn 747 giàn, qua đó cho thấy hoạt động khai thác dầu đang giảm. Số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng trong 3 tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 26 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 57,30 USD/thùng, nhưng vẫn mất 0,1% trong tuần qua.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 hạ 8 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống 63.23 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã mất 0,3%. Cả hợp đồng dầu WTI lẫn dầu Brent đều ghi nhận 3 tuần giảm giá liên tiếp.

Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Đây là một tuần đầy biến động đối với giá dầu khi việc đóng cửa đường ống dẫn dầu ở Biển Bắc đã hỗ trợ giá dầu tăng hồi đầu tuần, rồi sau đó đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ đã khiến các hợp đồng dầu thô tương lai đảo chiều suy yếu trong tuần qua”.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *