Giá dầu thế giới tiếp tục giảm gần 4% phiên 29/10 do lệnh phong tỏa mới ở châu Âu

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm gần 4% phiên 29/10 do lệnh phong tỏa mới ở châu Âu

Trong phiên 29/10, giá dầu thế giới giảm gần 4%, xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua do nhu cầu bị ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 mới
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm gần 4% phiên 29/10 do lệnh phong tỏa mới ở châu Âu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

 

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm gần 4% trong phiên 29/10, xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua và kéo dài đà giảm mạnh từ phiên trước đó bởi tác động xấu mà lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới có thể gây ra đối với nhu cầu “vàng đen”.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng 12/2020 đóng cửa giảm 1,47 USD (hay 3,76%) xuống 37,65 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng qua là 36,64 USD/thùng trước đó trong phiên này. Còn, giá dầu Brent giao tháng 1/2021 giảm 4% xuống còn 38,11 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,22 USD (3,26%) xuống 36,17 USD/thùng, chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng Sáu là 34,92 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá cả hai loại dầu này đều giảm hơn 5%.
Trưởng bộ phận năng lượng tương lai của Mizuho tại New York, Bob Yawger, cho rằng các nhà đầu tư đang phản ứng với việc số ca lây nhiễm COVID-19 mới tăng cao đột biến. Ngoài ra, ông Yawger cho biết thêm thị trường còn chịu thêm áp lực về những lo ngại đối với nhu cầu năng lượng, trong bối cảnh gói kích thích kinh tế mới của Mỹ vẫn chưa được thực hiện.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng cao tại châu Âu, Pháp sẽ yêu cầu mọi người ở nhà trừ các hoạt động thiết yếu từ ngày 30/10, trong khi Đức sẽ đóng cửa quán bar, nhà hàng và nhà hát từ ngày 2/11 đến hết tháng này.
Trưởng nhóm chiến lược gia thị trường toàn cầu Stephen Innes của Axi nhận định rằng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa bắt đầu gây lo ngại về nhu cầu năng lượng trên khắp châu Âu, qua đó triển vọng ngắn hạn đối với nhu cầu dầu thô bắt đầu xấu đi.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi OPEC+, sẽ theo dõi sát sao triển vọng nhu cầu năng lượng suy giảm cũng như việc nguồn cung dầu mỏ của Libya – một thành viên OPEC – tăng lên 680.000 thùng/ngày và dự kiến tăng lên 1 triệu thùng/ngày trong vài tuần tới.
Ngân hàng Commerzbank cho rằng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng OPEC+ sẽ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác vào tháng 1/2021. OPEC+ có kế hoạch giảm mức độ cắt giảm sản lượng dầu kể từ tháng 1/2021 từ 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại xuống còn khoảng 5,7 triệu thùng/ngày.
Những cơn bão tại Mỹ được dự báo sẽ suy yếu đi cùng ngày và hoạt động sản xuất dầu mỏ ở nước này bắt đầu phục hồi trở lại, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung hiện có./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *