Giải pháp nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới

Giải pháp nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới

(VLR) Một trong những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ là nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên 10 – 15 bậc (đến năm 2021), năm 2019 là từ 3 – 5 bậc. Để thực hiện mục tiêu này, không chỉ có vai trò của cơ quan Hải quan mà cần sự nỗ lực của các Bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Hàng hóa xuất nhập khẩu cảnh Hải Phòng

Hàng hóa xuất nhập khẩu cảnh Hải Phòng

Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) Kim Long Biên cho biết, hiện tại Tổng cục Hải quan đang xây dựng các kế hoạch chi tiết thực hiện các giải pháp nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới để trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Để xây dựng, triển khai các giải pháp nâng cao chỉ xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, phân tích nội hàm, kết quả chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam và xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao xếp hạng chỉ số.

Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới là một trong những chỉ số đánh giá Môi trường kinh doanh tại Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện định kỳ hàng năm, đối với 190 quốc gia. Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới đo lường này là thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, gồm 3 hoạt động chính:

Hoạt động một: Chuẩn bị và thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu: Khai báo, chuẩn bị, nộp các chứng từ về vận tải, thông quan, kiểm tra thực tế, bốc xếp hàng hóa theo yêu cầu của các cơ quan liên quan (Hải quan, kiểm tra chuyên ngành, kinh doanh cảng, hãng tàu…). Hoạt động hai: Thực hiện các loại thủ tục tại cửa khẩu: Thủ tục kiểm tra hàng của các cơ quan khác (kiểm tra chuyên ngành, cảng…); thủ tục thông quan và kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan; thủ tục để bốc xếp hàng tại cảng. Hoạt động ba: Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong nội địa.

Tuy nhiên, theo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, khi đánh giá xếp hạng chỉ số, WB tổng hợp 2 hoạt động một và hai, do việc vận chuyển hàng trong nội địa chỉ ảnh hưởng của nhiều yếu tố như địa lý, địa hình, khoảng cách, giao thông từ kho hàng trong nội địa đến cảng/cửa khẩu.

Theo phân tích chi tiết về thời gian và chi phí giao dịch thương mại qua biên giới tại báo cáo “Ưu tiên cải cách nhằm giảm chi phí thương mại và tăng cường năng lực cạnh trạnh của Việt Nam” của WB (tháng 7/2018) cho thấy:

Về thời gian, thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan Hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập khẩu, 4% đối với hàng xuất khẩu trong tổng thời gian xuất nhập khẩu qua biên giới. Thời gian thuộc trách nhiệm của đơn vị xếp dỡ, lưu kho tại cảng và logistic chiếm 28% đối với hàng nhập và 50% đối với hàng xuất.

Thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn, trong đó thời gian tuân thủ về chứng từ đối với kiểm tra chuyên ngành (thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất nhập khẩu) và thời gian tuân thủ tại cửa khẩu đối với cơ quan ngoài hải quan (thời gian kiểm tra và ra báo cáo kiểm tra chất lượng) chiếm đến 61% đối với hàng nhập; 46% đối với hàng xuất.

Về chi phí: Chi phí liên quan đến kiểm tra hải quan và chi phí thuê môi giới hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập và 10% đối với hàng xuất trong tổng chi phí xuất nhập khẩu qua biên giới; trong khi đó, chi phí xếp dỡ, lưu kho tại cảng và chi phí logistic chiếm đến 64% đối với hàng nhập, 63% đối với hàng xuất. Chi phí thực hiện thủ tục tuân thủ kiểm tra chuyên ngành (chi phí chuẩn bị hồ sơ xuất nhập khẩu) và chi phí kiểm tra chất lượng chiếm 25% đối với hàng nhập, 27% đối với hàng xuất.

Theo phân tích của WB có thể thấy, chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới bao gồm nhiều chỉ số thành phần thuộc phạm vi quản lý của nhiều đơn vị liên quan gồm: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); các cơ quan quản lý chuyên ngành; doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, bốc xếp dỡ tại cảng, cửa khẩu; doanh nghiệp vận tải, logistic; cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Để có thể cải thiện xếp hạng chỉ số, không chỉ gồm giải pháp của Bộ Tài chính, mà cần có tham gia tích cực, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp logistic và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thời gian và chi phí Giao dịch thương mại qua biên giới.

Để xây dựng, triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng Giao dịch thương mại qua biên giới, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều cuộc họp để xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo các cấp giải pháp để triển khai.

Tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã chỉ đao Tổng cục Hải quan xây dựng báo cáo phân tích chi tiết về nội hàm chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, hiểu rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời đề xuất các giải pháp, bước đi cụ thể để cải thiện, nâng chỉ số xếp hạng Giao dịch thương mại qua biên giới.

Cụ thể hóa các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, trong tháng 3/2019, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức đoàn công tác trực tiếp làm việc lại các cơ quan, đơn vị liên quan tại hai địa bàn lớn là TP. HCM và Hải Phòng.

Đoàn công tác sẽ trực tiếp rà soát, đánh giá thực trạng, tồn tại và hạn chế của các bên liên quan bao gồm: Cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cảng vụ, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, logistics; hãng tàu, hãng vận tải quốc tế, nội địa… Đồng thời trao đổi về các giải pháp cụ thể đối với từng bên liên quan trong quy trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để có thể giảm thời gian và chi phí giao thương hàng hóa qua biên giới.

Theo đánh giá của WB tại báo cáo Môi trường kinh doanh, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng. Năm 2016 tăng 9 bậc, năm 2017 tăng 14 bậc, trong đó xếp hạng về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2016 tăng 15 bậc, năm 2017 giảm 1 bậc. Liên tục trong các năm 2016, 2017 Việt Nam giữ vững vị trí thứ 4 trong 10 nước ASEAN về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới với thời gian và chi phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đều có sự chuyển biến tích cực so với năm trước.

Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB năm 2018, vị trí xếp hạng của Việt Nam đối với chỉ số chung về môi trường kinh doanh giảm 1 bậc. Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 6 bậc (từ vị trí 94 lên đến vị trí 100/190 nước) và đứng thứ 5 trong ASEAN. Nguyên nhân khách quan do một số quốc gia có sự cải thiện vượt bậc về hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới.

Theo baohaiquan.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *