Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

 Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1615/QĐ – BTC ngày 24/8/2021 về việc chuyển đổi mô hình Chi cục Hải quan Long Thành (trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai) thành Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai kể từ ngày 15/10/2021. Đây là sự kiện quan trọng, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của Cục Hải quan Đồng Nai và Cảng Đồng Nai. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ra sự gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giá cước vận tải biển … liên tục tăng cao, cộng thêm việc TP. HCM sẽ triển khai thu phí hạ tầng cảng biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mô hình Chi cục Hải quan Long Thành (trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai) chuyển đổi thành Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai kể từ ngày 15/10

Mô hình Chi cục Hải quan Long Thành (trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai) chuyển đổi thành Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai kể từ ngày 15/10

Chi cục hải quan cửa khẩu đầu tiên tại Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai luôn là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế với GRDP tăng bình quân 8,12% trong những năm qua. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là dự án sân bay quốc tế Long Thành,sẽ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Tổng quan Cảng Đồng Nai từ trên cao

Tổng quan Cảng Đồng Nai từ trên cao

Tuy nhiên, trước khi Bộ Tài chính quyết định thành lập Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai, Cục Hải quan Đồng Nai chỉ có các điểm thông quan hàng hóa thuộc 7 Chi cục Hải quan. Vì vậy, việc phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí đểlàm thủ tục chuyển cửa khẩu hàng hoá từ các cảng của TP. HCM về Đồng Nai (hoặc ngược lại). Từ đó, hệ thống cảng biển quốc tế và cảng sông, cảng cạn (ICD) trên địa bàn tỉnh cũng chưa phát huy hết lợi thế.

Do đó, việc thành lập hải quan cửa khẩu đầu tiên của Đồng Nai sẽ nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giảm bớt áp lực cho các cảng biển tại TP. HCM, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và góp phần giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường bộ kết nối TP. HCM – Đồng Nai và khu vực lân cận.

Cảng Đồng Nai – mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics phía Nam

Cảng Đồng Nai là cảng tổng hợp quốc gia, khu vực (loại I), bao gồm 02 bến cảng thương mại quốc tế là Cảng Long Bình Tân và Cảng Gò Dầu, đồng thời giữ vai trò như cảng cạn (ICD) kết nối với cảng quốc tế khu vực TP. HCM và cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép bằng sà lan để tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu đường biển.

Cảng Gò Dầu với khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT

Cảng Gò Dầu với khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT

Thời gian qua, Cảng Đồng Nai đã liên tục mở rộng quy mô và đầu tư hạ tầng đồng bộ, có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 DWT tại Cảng Long Bình Tân và tàu 30.000 DWT tại Cảng Gò Dầu. Với công suất khai thác thông qua cảng khoảng 800.000 TEU/năm và khai thác hàng tổng hợp 9 triệu tấn/năm.Sở hữu vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Bộ, Cảng Đồng Nai hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển cửa khẩu… của các doanh nghiệp và là sự lựa chọn tin cậy của nhiều hãng tàu quốc tế lớn trên thế giới như: MAERSK, COSCO, CMA, MSC, ONE… trong suốt nhiều năm qua.

Việc thành lập Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai sẽ là sự kiện mang ý nghĩa khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của Cảng Đồng Nai trong chuỗi logistics phía Nam.

Lợi ích khi thực hiện thủ tục tại Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai

Khi thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai, các doanh nghiệp có thể khai báo hải quan, thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu Cảng Đồng Nai đối với tất cả hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện các thủ tục, quy định cũng tương tự tại các cảng cửa khẩu ở khu vực TP. HCM là Cát Lái/ SP-ITC, cụm cảng Thị Vải – Cái Mép…

Danh mục hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Cảng Đồng Nai gồm: các mặt hàng phế liệu (giấy, nhựa, kim loại…); Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình; Hàng hóa phục vụ gia công, sản xuất tiêu dùng trong nước, sản xuất xuất khẩu và chế xuất; Hàng hóa đưa từ nước ngoài và khu phi thuế quan… Xăng các loại, xe mô tô 2 bánh, máy điều hòa không khí dưới 90.000 BTU, rượu, bia, thuốc lá…

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất quy định phải thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập (Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015). Và tất cả các loại hàng hóa khác… được nhập khẩu theo quy định hiện hành.

Khi Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đồng Nai đi vào hoạt động sẽ tạo sự đột phá trong cải cách hàng chính, tạo sự chủ động và thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, đặc biệt đối với hàng nhập khẩu có đích là Cảng Đồng Nai. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí logistics. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được ít nhất 120 phút do không phải di chuyển đến hải quan cửa khẩu ngoài tỉnh, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm khoảng 500,000 VND/cont – 800,000 VND/cont. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu.

Thời gian tới, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp hiệu quả cùng ngành Hải quan Đồng Nai nhằm xây dựng môi trường xuất nhập khẩu hiện đại, thông thoáng, tiết kiệm chi phí cho hoạt động logistics để luôn là sự lựa chọn hàng đầu và là bạn đồng hành tin cậy của Quý khách hàng.

Nguồn vlr.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *