Hàng hóa TG tuần tới 9/12: Giá giảm đồng loạt

Hàng hóa TG tuần tới 9/12: Giá giảm đồng loạt

Trong tuần qua, giá các hàng hóa chủ chốt, từ dầu tới cà phê, đồng loạt sụt giảm.

Năng lượng: Giá dầu giảm

Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 1/2018 tăng 67 US cent (1,2%) lên 57,36 USD/thùng, dầu Brent Brent giao tháng 2/2018 tăng 1,2 USD (1,9%) lên 63,40 USD/thùng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau đợt sụt mạnh trong phiên trước đó và quan ngại về đợt đình công của công nhân ngành dầu mỏ Nigieria và dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc gia tăng.

Theo chuyên gia hàng đầu của Interfax Energy tại London Abhishek Kumar, làn sóng mua vào trên thị trường cùng với nỗi lo về một cuộc đình công lớn trong ngành dầu mỏ Nigeria đã giúp giá dầu tăng trở lại. Hiện Nigeria là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi.

Theo thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc, trong tháng 11/2017, lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng lên 9,01 triệu thùng/ngày. Ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018, nhờ nhu cầu tại Trung Quốc tăng gần 10%.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu WTI vẫn giảm 1,7%, trong khi dầu Brent giảm 0,5% bởi lo ngại sản xuất dầu tại Mỹ tăng sẽ làm suy yếu nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước thống kê cho thấy sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2017.

Theo số liệu chính thức, lượng dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất dầu mỏ của Mỹ đã tăng lần lượt 6,8 triệu và 1,7 triệu thùng, vượt các dự đoán được đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters.

Lượng xăng dự trữ thường tăng lên trong tháng cuối năm, nhưng với con số 221 triệu thùng, lượng xăng dự trữ đã tăng nhẹ so với mức bình quân tại thời điểm này trong 5 năm qua. Xu hướng gia tăng sản lượng dầu của Mỹ có thể lấn át những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác.

Tuần trước, giá dầu đã được hưởng lợi khi OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm chín tháng nữa, nhằm chấm dứt tình trạng dư cung “dai dẳng” trên toàn cầu.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent và WTI năm 2018 sẽ đứng ở các mức tương ứng 62 USD/thùng và 57,5 USD/thùng.

Ngân hàng này cho biết đã tính đến tác động của quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC trong dự báo giá dầu, dù không loại trừ khả năng thỏa thuận này kết thúc sớm hơn dự kiến.

Kim loại quý: Giá vàng giảm

Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.248,81 USD/ounce, nhưng vẫn sát mức thấp 1.243,71 USD – thấp nhất kể từ 26/7 – của phiên trước đó; vàng giao tháng 2/2018 giảm 0,4% xuống 1.248,40 USD/ounce.

Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,6%, là tuần thứ 3 liên tiếp giảm và mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 5.

Các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ và đồng USD tăng giá gây áp lực giảm giá vàng. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến giá các tài sản định giá bằng đồng USD, trong đó có vàng, trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Các nhà phân tích dự đoán rằng kế hoạch cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó làm gia tăng lạm phát và củng cố kịch bản Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất tại cuộc họp 12-13/12.

Ngày 8/12, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật chi tiêu tạm thời, theo đó cung cấp tài chính cho chính phủ liên bang thêm hai tuần nữa.

Động thái này đã ngăn chặn việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong khi Quốc hội đàm phán về một thỏa thuận ngân sách dài hạn hơn.

Dự luật chi tiêu này sẽ cấp ngân sách cho hoạt động của chính phủ liên bang đến hết ngày 22/12, và các nghị sĩ Mỹ có thêm thời gian để đàm phán một thỏa thuận ngân sách của lưỡng đảng.

Sau khi đạt được thỏa thuận ngân sách này, các nhà lập pháp Mỹ có thể xây dựng kế hoạch chi tiêu chi tiết, cung cấp ngân sách cho chính phủ đến hết tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30/9).

Kể từ giữa tháng Mười, giá vàng “loanh quanh” trong biên độ từ 1.265-1.300 USD/ounce, khi giới đầu tư liên tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán, nơi chứng kiến một loạt kỷ lục mới.

Nông sản: Giá giảm

Giá đường thô giao tháng 3 giảm 0,26 US cent tương đương 1,8% xuống 14,05 US cent/lb, trong phiên có lúc giá xuống mức thấp nhất kể từ 24/10 là 13,97 US cent. Tính chung cả tuần giá giảm 6,2%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 4 tháng.

Đồng real Brazil giảm so với USD càng làm gia tăng áp lực giảm giá, bởi điều đó khích lệ nhà sản xuất bán ra vì lợi nhuận tăng lên khi quy đổi ra nội tệ.
Đường trắng giao tháng 5 kết thúc phiên giảm 4,4 USD tương đương 1,2% xuống 366,80 USD/tấn.

Cà phê arabica giao tháng 3 giảm 0,3 US cent tương đương 0,2% xuống 1,226 USD/lb, trong phiên có lúc giá xuống mức thấp nhất 5 tháng rưỡi là 1,219 USD. Tính chung cả tuần giá giảm 5,4%, mạnh nhất kể từ tháng 8.

Robusta giao tháng 1 tăng 20 USD tương đương 1,2% lên 1.750 USD/tấn.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) trong báo cáo công bố ngày 8/12 nhận định xuất khẩu cà phê toàn cầu sẽ tăng vào cuối niên vụ trong bối cảnh sản lượng giảm ở Brazil nhưng tăng ở châu Phi, châu Á và Trung Mỹ.

Dự báo xuất khẩu sẽ chậm lại vào niên vụ 2017/18 (bắt đầu từ 1/10), một phần do sản lượng giảm ở Brazil và mưa lớn ở Colombia làm cho việc thu hoạch bị chậm lại.

Sản lượng cà phê thế giới dự báo tăng 0,8% lên 158,69 triệu bao trong niên vụ 2017/18. Tuy nhiên, số liệu mới đây cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 10 giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng ở châu Á và châu Đại dương dự báo tăng 4,4% nhờ thời tiết thuận lợi, nhất là ở Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới.

Sản lượng ở Trung Mỹ và Mexico chắc chắn sẽ tăng 4,3% trong niên vụ 2017/18 vì sản lượng hồi phục ở một số nước sau khi bị dịch bệnh gỉ lá cách đây vài năm.

Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa ĐVT 2/12 9/12 9/12 so với 8/12 9/12 so với 8/12 (%)
Dầu thô WTI USD/thùng 58,36 57,36 +0,67 +1,18%
Dầu Brent USD/thùng 63,73 63,40 +1,20 +1,93%
Dầu thô TOCOM JPY/kl 41.900,00 42.200,00 +490,00 +1,17%
Khí thiên nhiên USD/mBtu 3,06 2,77 +0,01 +0,33%
Xăng RBOB FUT US cent/gallon 174,16 171,66 +1,66 +0,98%
Dầu đốt US cent/gallon 194,13 192,88 +3,18 +1,68%
Dầu khí USD/tấn 569,00 565,25 +15,25 +2,77%
Dầu lửa TOCOM JPY/kl 57.310,00 57.240,00 +390,00 +0,69%
Vàng New York USD/ounce 1.282,30 1.248,40 -4,70 -0,38%
Vàng TOCOM JPY/g 4.608,00 4.547,00 +3,00 +0,07%
Bạc New York USD/ounce 16,39 15,82 +0,02 +0,13%
Bạc TOCOM JPY/g 60,00 58,30 +0,40 +0,69%
Bạch kim giao ngay USD/t oz. 940,00 888,28 -5,57 -0,62%
Palladium giao ngay USD/t oz. 1.021,34 1.008,74 -7,72 -0,76%
Đồng New York US cent/lb 309,25 297,85 +1,40 +0,47%
Đồng LME 3 tháng USD/tấn 6.833,00 6.571,00 +7,00 +0,11%
Nhôm LME 3 tháng USD/tấn 2.074,50 2.010,50 +0,50 +0,02%
Kẽm LME 3 tháng USD/tấn 3.249,00 3.082,50 -7,50 -0,24%
Thiếc LME 3 tháng USD/tấn 19.455,00 19.450,00 +25,00 +0,13%
Ngô US cent/bushel 358,75 352,75 +1,25 +0,36%
Lúa mì CBOT US cent/bushel 438,50 419,00 -2,50 -0,59%
Lúa mạch US cent/bushel 263,25 242,00 -3,00 -1,22%
Gạo thô USD/cwt 12,46 12,07 -0,06 -0,54%
Đậu tương US cent/bushel 994,25 989,75 -2,25 -0,23%
Khô đậu tương USD/tấn 330,20 335,70 -3,10 -0,91%
Dầu đậu tương US cent/lb 33,69 33,79 +0,25 +0,75%
Hạt cải WCE CAD/tấn 506,10 505,10 -0,80 -0,16%
Cacao Mỹ USD/tấn 2.041,00 1.887,00 +7,00 +0,37%
Cà phê Mỹ US cent/lb 129,55 122,60 -0,30 -0,24%
Đường thô US cent/lb 14,98 14,05 -0,26 -1,82%
Nước cam cô đặc đông lạnh US cent/lb 162,70 152,85 -0,60 -0,39%
Bông US cent/lb 73,28 73,72 -0,51 -0,69%
Lông cừu (SFE) US cent/kg
Gỗ xẻ USD/1000 board feet 435,40 429,70 +3,80 +0,89%
Cao su TOCOM JPY/kg 202,00 204,50 +0,40 +0,20%
Ethanol CME USD/gallon 1,36 1,33 +0,01 +1,06%

Nguồn tin: vinanet.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *