Khó khăn bủa vây ngành thép

Khó khăn bủa vây ngành thép

(Xây dựng) – Thị trường thế giới trầm lắng, kỳ nghỉ lễ kéo dài cộng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 đã khiến hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp thép trong tháng đầu năm 2020 sụt giảm.

kho khan bua vay nganh thep 273841

Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 01/2020, sắt thép các loại xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và trị giá. Cụ thể, lượng sắt thép xuất khẩu đạt hơn 483.000 tấn, trị giá hơn 266 triệu USD, giảm 26,7% về lượng và giảm 26% về trị giá so với tháng trước, giảm tương ứng 35,7% và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép Việt với hơn 105.000 tấn, trị giá 57,68 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và 39,4% về trị giá so với tháng đầu năm 2019.

Một thị trường tiêu thụ lớn của sắt thép Việt cũng giảm mạnh nữa là Malaysia với 54.285 tấn, trị giá 29,69 triệu USD, giảm 21% về lượng và trị giá so với tháng trước và giảm lần lượt 3,5% và 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng sắt thép xuất khẩu sang Bỉ, Philippines, Mỹ,… giảm mạnh từ 70 -90% so với cùng kỳ năm trước.

Về nhập khẩu mặt hàng này trong tháng đầu năm đạt hơn 940.000 tấn, trị giá hơn 570 triệu USD, giảm 21% so với tháng trước. So với cùng kỳ, lượng sắt thép nhập khẩu trong tháng giảm 18% về lượng và gần 30% về trị giá.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân của việc sụt giảm cả về sản xuất và tiêu thụ của thép Việt trong tháng đầu năm 2020 chủ yếu là do hai kỳ nghỉ tết với thời gian dài. Điều này đã ảnh hưởng chung tới kết quả tiêu thụ của các doanh nghiệp thép xây dựng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường toàn cầu trầm lắng, hoạt động trên thị trường thép Trung Quốc chậm lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid-19 tại Vũ Hán khiến thời gian nghỉ lễ kéo dài hơn dự kiến. Điều này làm dấy lên sự lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc nói chung và các hoạt động xây dựng nói riêng.

Trước đó, kết quả sản xuất kinh doanh quý III năm 2019 của các DN thép cũng không mấy khả quan khi hàng loạt DN báo lỗ, hoặc sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Đơn cử như thép Hòa Phát đạt 15.087 tỷ đồng doanh thu qúy 3, tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.794 tỷ đồng, giảm đến 25% so với quý III năm 2018.

Thép Nam Kim cũng không nằm ngoài quy luật khi doanh thu quý III giảm 11,6%, còn 3.068 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 6,2 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng Thép Nam Kim đạt 8.975 tỷ đồng doanh thu, giảm 20,9% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn tăng cao dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ còn 40 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi hơn 230 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm trước đó.

Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) cũng trải qua quý III với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý III năm 2019 giảm 7,6%, xuống còn hơn 5.700 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 42 tỷ đồng, giảm đến 71% so với quý III năm 2018.

Trong bối cảnh thị trường BĐS chậm lại, giá quặng sắt vẫn ở mức cao, thì kết quả kinh doanh quý III của ngành thép giảm sút không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư.

Theo các DN, việc tiêu thụ gặp khó khăn nguyên nhân không chỉ từ sức ép cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, mà còn do ảnh hưởng bởi sức ép gia tăng từ chiến tranh thương mại, các nước đều đưa ra rào cản thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Một nguyên nhân khác, khi ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay đối với BĐS, các công trình xây dựng giãn tiến độ chậm lại, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiêu thụ thép. Những tác động xấu đó khiến cho việc sản xuất kinh doanh của DN trong ngành năm qua gặp khó, phải cắt giảm sản xuất. Hầu như tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm thép không tăng trưởng, đặc biệt các sản phẩm tôn, ống thép… giảm lượng tiêu thụ, tồn kho nhiều.

Tuy nhiên, dự báo về tăng trưởng sản xuất thép trong năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam VSA cho biết vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhẹ khoảng 6 – 8%. Năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một số nguyên liệu như quặng sắt (gần 17 triệu tấn), thép phế (khoảng 5 triệu tấn), thép cuộn cán nóng ước khoảng 5 triệu tấn. Mức tăng trưởng này được nhận định là sẽ thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng của ngành trong năm 2019 vừa qua. Ngoài ra, ngành thép trong nước vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, thép nhập khẩu từ nước ngoài và việc siết chặt tín dụng cho vay đối với thị trường BĐS trong nước.

Nguồn: Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *