Kinh nghiệm một số nước trong quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Kinh nghiệm một số nước trong quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Để xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hiện, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới.

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển trên thế giới cũng như Việt Nam

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển trên thế giới cũng như Việt Nam

Hiện dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi. Trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị định, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm về quản lý thương mại điện tử với một số nước trong khu vực: Hàn Quốc, Trung Quốc…

Cụ thể, tại Trung Quốc, do nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của người tiêu dùng tăng cao, khách hàng tại Trung Quốc thực hiện mua hàng bằng phương thức thương mại điện tử ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc mua hàng qua mạng do bất đồng về ngôn ngữ, không có cơ quan đảm bảo về chất lượng hàng hóa, khách hàng không thể đổi, trả lại hàng hóa…

Trước thực trạng đó, để tăng cường việc giám sát chất lượng sản phẩm và đảm bảo việc thu thuế của nhà nước, 8 bộ thuộc Chính phủ ban hành Thông tư liên ngành về việc thúc đẩy giám sát nhập khẩu bán lẻ thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới ngày 28/11/2018 có hiệu lực ngày 1/1/2019.

Đồng thời, từ năm 2012, Trung Quốc đã thực hiện thí điểm quản lý hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Khi đó, tại các thành phố thí điểm được thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa đối với cá nhân (thủ tục thông quan riêng, miễn thuế theo định mức nhất định, miễn kiểm tra chuyên ngành); quy định mức thuế theo nhóm sản phẩm (ví dụ hàng may mặc và phụ kiện bằng da được nhóm vào một nhóm và có mức thuế là 10%, dệt và các sản phẩm dệt là một nhóm với mức thuế suất là 20%).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thành lập các cơ quan quản lý chất lượng riêng đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển.

Tại Trung Quốc, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động theo 2 hình thức: Nhập khẩu ngoại quan (hàng hóa được nhập khẩu trước lưu giữ tại khu vực riêng, sau khi có đơn hàng của người mua thì thực hiện thủ tục nhập khẩu để giao cho người mua hàng) và nhập khẩu mua hàng trực tiếp (khi có đơn hàng giao dịch thương mại điện tử hàng hóa được vận chuyển về Trung Quốc và thực hiện thủ tục nhập khẩu).

Tại Indonesia, để đảm bảo quản lý, Indonesia xây dựng một kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, Indonesia hiện đang xây dựng thủ tục hải quan áp dụng cho hàng hóa dưới 1500 USD giao dịch qua các trang mạng giao dịch hàng hóa trực tuyến như Lazada, Tokopedia, Blibli, Ladoza.

Khi đó, sàn giao dịch điện tử chia sẻ dữ liệu hóa đơn điện tử, catalogs điện tử tới cơ quan Hải quan và cơ quan Hải quan cấp giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến (giấy phép được cấp bởi một đơn vị hải quan được sử dụng trên toàn quốc), thuế được thu tự động trên các trang giao dịch này.

Hệ thống của cơ quan Hải quan đối chiếu dữ liệu tự động, trong trường hợp thông tin không trùng khớp, cán bộ hải quan sẽ quyết định việc kiểm tra tiếp theo. Công ty bưu chính thực hiện khai báo hải quan sử dụng mẫu tờ khai CN3 và chia nhỏ lô hàng để giao cho khách hàng lẻ và chuyển thông tin cho cơ quan Hải quan.

Đối với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, dù không có quy định riêng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, nhưng các quốc gia này đều có chính sách hỗ trợ để tăng tốc độ thông quan đối với các lô hàng trị giá nhỏ như sử dụng tờ khai đơn giản, mục lục thông quan, tờ khai không chính thức… nhằm giảm thiểu thông tin phải khai báo, tăng tốc độ thông quan hàng hóa.

Trên cơ sở thực tế hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử trong nước và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Tổng cục Hải quan đã xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Theo Tổng cục Hải quan, quan điểm xây dựng Nghị định đảm bảo phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tuân thủ theo cam kết; bảo đảm có khả năng tương thích với các hiệp định mà Việt Nam đang đàm phán để gia nhập trong tương lai.

Thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển và đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế.

Đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập quá trình thực thi các quy định hiện hành.

Đồng thời bảo đảm quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai, thuận tiện, thống nhất; bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội có liên quan (Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm;…), thông lệ quốc tế; đồng thời tăng cường thực hiện các thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội…

Theo Báo Hải quan

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *