Làm sao để gạo, rau quả, đồ gỗ chinh phục thị trường Anh?

Làm sao để gạo, rau quả, đồ gỗ chinh phục thị trường Anh?

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5 tới. Nhiều mặt hàng nông sản, lâm sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam hiện chiếm thị phần khá khiêm tốn tại Anh và còn nhiều dư địa để bứt phá xuất khẩu thời gian tới.

Đồ gỗ Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường Anh (Ảnh: N.Thanh)

Đồ gỗ Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường Anh (Ảnh: N.Thanh)

Đồ gỗ cạnh tranh tốt

Theo thông tin mà Bộ Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len vừa công bố, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Anh có khả năng cạnh tranh nhờ chi phí thấp, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao.

Một số công ty lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với các nhà sản xuất Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu Anh thường cung cấp mẫu mã, thiết kế, tiêu chuẩn sản phẩm và tổ chức phân phối sản phẩm tại Anh.

Ví dụ, IKEA- nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất có thị phần lớn nhất tại Anh đã có hệ thống cung cấp sản phẩm sâu rộng ở Việt Nam từ nhiều năm nay, giúp đồ gỗ Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Anh.

Về mặt con số, Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu gần 11,9 tỷ USD (năm 2019) thành phẩm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ. Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều đồ gỗ và nội thất vào Anh. Trị giá đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Anh năm 2019 đạt gần 422 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu ngành hàng gỗ của Anh.

Đáng chú ý, sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam đang gia tăng trước các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc (37,1% thị phần); Italia (8,5% thị phần); Đức (8,2% thị phần); Ba Lan (8% thị phần) và Mỹ (4,2% thị phần).

Trên thực tế, nhóm hàng đồ gỗ có phạm vi tiêu thụ rất rộng, doanh nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu nên dư địa thị trường vẫn còn nhiều.

Để đồ gỗ Việt Nam mở rộng thị phần, nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải giữ được các khách hàng đã có và phát triển thêm khách hàng mới với những mặt hàng mới.

Gạo, rau quả còn nhiều dư địa

Bên cạnh đồ gỗ, mặt hàng nông sản như gạo, rau quả được nhận định còn nhiều dư địa thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Anh, đặc biệt nhờ trợ lực của UKVFTA.

Với mặt hàng gạo, thị trường gạo của Anh có nhu cầu nhập khẩu hàng năm khoảng 672 nghìn tấn. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với 0,2% thị phần.

Theo UKVFTA, thuế nhập khẩu các loại gạo thơm của Việt Nam vào Anh được giảm từ 17,4% xuống 0% trong phạm vi hạn ngạch thuế quan. Cùng với những tiến bộ kỹ thuật vượt bậc về giống lúa cho gạo chất lượng cao, gạo Việt Nam được dự báo sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần tại Anh trong thời gian tới.

Tương tự gạo, xuất khẩu rau quả sang Anh cũng có nhiều thuận lợi nhờ UKVFTA. Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…

Năm 2019, rau quả Việt nam xuất khẩu sang Anh chịu thuế suất trung bình 15% – 17,4%, có những loại hoa quả đã chịu thuế hơn 20%.

Do khoảng cách địa lý xa xôi và tiêu chuẩn kiểm soát nhập khẩu rau củ quả của Anh rất nghiêm ngặt nên xuất khẩu rau củ quả từ Việt Nam sang Anh chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn 0,05% chưa tới 8,5 triệu USD trong năm 2019.

Những mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Anh là khoai tây, cà chua, cà rốt, hành, dưa leo, táo, nho, lê. Thị trường Anh cũng rất hoan nghênh các loại quả nhiệt đới như chuối, cam, quýt, xoài, dứa.

Lượng rau, quả nhập khẩu tại Anh có xu hướng ngày một tăng với mức tăng trưởng bình quân từ năm 2015 – 2019 là 3%.

“Để có thể mở rộng thị phần tại Anh, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải đáp ứng một cách bền vững các quy định pháp luật của Anh về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu thấp, kiểm dịch thực vật, giống cây biến đổi gien, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, đại diện Bộ Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len nhấn mạnh.

Giống như EU và tất cả các nước phát triển khác, Vương Quốc Anh kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép ( MLR) đối với từng loại sản phẩm. Hiện nay, Anh tiếp tục áp dụng MRL theo tiêu chuẩn EU.

Để bảo hộ nông nghiệp và các vùng nông thôn kém phát triển hơn các khu công nghiệp và thành phố. Chính phủ Anh tiếp tục duy trì chính sách hạn chế nhập khẩu một số loại nông sản bằng mức thuế nhập khẩu tương đối cao và/hoặc Chính sách hạn ngạch thuế quan trong khuôn khổ WTO hoặc theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do song phương. Chính sách này được thực hiện theo chế độ cấp phép do Rural Payments Agency (RPA) quản lý.

Theo Báo Hải quan

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *