Lebanon sẽ là tâm điểm mới cuộc chiến dầu mỏ Trung đông?
Dự án dầu khí giữa Nga và Lebanon bị ép buộc phải hủy bỏ vì căng thẳng xảy ra với Arabia Saudi.
Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Gebran Bassil cho biết, hiện đang có một chiến dịch chống Lebanon ở Trung Đông, nhằm đe doạ và buộc nước này phải từ bỏ một dự án khí đốt chung với Nga, theo RT.
Ngoại trưởng Lebanon theo đó cho rằng, Lebanon đã “gần như ở ngưỡng cửa của hợp đồng đầu tiên nhằm phát triển mỏ dầu đá phiến với các công ty năng lượng của Nga”.
Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil
“Một số quốc gia đang cố gắng kiếm cớ và sử dụng một số lực lượng nhằm loại bỏ vị lãnh đạo Lebanon” – Ngoại trưởng Gebran Bassil nói nhưng không cáo buộc đích danh. “Các lực lượng này đã phát động chiến tranh ở Syria và những kẻ đang nuôi dưỡng khủng bố này hiện đang cố gắng phá hủy Lebanon”.
Ông Bassil cảnh cáo về một “chiến dịch đe dọa Lebanon” đang được tiến hành và hy vọng Nga sẽ tăng cường những nỗ lực của họ nhằm “tạo sự cân bằng lực lượng” trong khu vực.
“Nga đã luôn đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giảm leo thang xung đột” – Ngoại trưởng Lebanon nói thêm.
Các tuyên bố về việc Lebanon bị đe dọa bởi một thế lực chính trị nhắm vào hợp tác dầu khí với Nga được Ngoại trưởng Bassil đề cập tới trước khi có chuyến thăm Moscow và gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Phản ứng của Ngoại trưởng Bassil đưa ra trong bối cảnh tình hình ở Lebanon đang căng thẳng liên quan tới lời tuyên bố từ chức của Thủ tướng nước này, ông Saad al-Hariri được phát đi từ Thủ đô của Arabia Saudi. Ông Hariri đang có chuyến thăm quốc gia đồng minh này và bất ngờ từ chức ở đó.
Ông Hariri cho rằng, tính mạng của mình đang bị đe daa bởi sự hoạt động mạnh mẽ của phong trào dân tộc Hezbollah do Iran nuôi dưỡng với “mong muốn phá hủy thế giới Ả-rập”.
Lebanon lâu nay vẫn là quốc gia chứng kiến sự giao thoa tác động của cả Iran và Saudi Arabia. Thủ tướng và Tổng thống Lebanon có quan điểm ngược nhau về sự ủng hộ đối với 2 đồng minh trên trong khu vực.
Và do vậy, Lebanon cho rằng Thủ tướng Hariri đã bị ép buộc phải tuyên bố về các mối lo ngại đối với Iran và nhóm Hezbollah, đồng thời yêu cầu ông về nước mới chấp nhận lời từ chức Thủ tướng.
Thủ tướng Hariri sau đó đã lên tiếng phủ nhận, những lời tuyên bố của ông không bị can dự bởi thế lực chính trị Saudi Arabia.
Ông khẳng định sẽ về Lebanon để từ chức Thủ tướng sau khi có chuyến thăm Pháp. Ông Hariri cho biết đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Pháp – Emmanuel Macron khi ông Macron khẳng định đây là lời mời chứ không phải là một đề nghị cung cấp “lưu vong chính trị”.
Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil nói rằng, ông hy vọng sau khi thăm Pháp thì Thủ tướng al-Hariri sẽ trở về nhà và đối mặt với Tổng thống về quyết định từ chức của mình.
Nga ảnh hưởng gì tới Lebanon?
Động thái tuyên bố từ chức của ông al-Hariri được giới phân tích cho là không nằm ngoài các dự tính chính trị khi Saudi Arabia quyết ra tay trước sự ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Iran được Nga giúp đỡ kể từ khi can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Lebanon dù không “chỉ mặt đặt tên” nhưng cũng thể hiện rõ ý định chỉ trích thế lực bên ngoài tác động tới tình hình ở Lebanon, có thể chưa nặng nề tới các mưu đồ chính trị như các nhận xét của giới quan sát, mà mới chỉ âm muu tới các lợi ích kinh tế mà Beirut lựa chọn hợp tác với Moscow.
Đây lại là một trong những bằng chứng cho thấy rõ ràng nhất “tiêu chuẩn kép” của thế lực nào đó mà Lebanon khẳng định, đòn đánh vào chính trị có kèm thêm yếu tố kinh tế.
Dự án dầu khí mà Lebanon hợp tác với Nga có thể là bước cản về kinh tế, cũng có thể là dấu hiệu chính trị cho thấy sự xoay trục của Beirut trong thế giới Hồi giáo Trung Đông, sẽ không khỏi khiến các thế lực ủng hộ Saudi Arabia quan sát.
Những thành công mà Nga có được tại Syria sau khi tiến hành chiến dịch quân sự vào quốc gia này hồi tháng 10/2015, đã khiến tình hình ở Trung Đông biến đổi.
Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của trục ủng hộ Nga- Iran – Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho vị thế của các quốc gia tại Trung Đông lâu nay bị suy giảm đáng kể. Sức mạnh Iran trong tình thế bị cô lập lâu nay với các cáo buộc phát triển vũ khí hạt nhân đã quay trở lại và gây ảnh hưởng mạnh mẽ dưới sự ủng hộ của Nga.
Tổng thống (trái) và Thủ tướng (phải) Lebanon có quan điểm ngược nhau về Iran và Saudi Arabia.
Tình hình Lebanon căng thẳng sau khi Beirut đang “tiến gần tới ngưỡng cửa của thỏa thuận dầu khí với công ty Nga” như Ngoại trưởng Lebanon tuyên bố đã phần nào cho thấy các ý đồ chính trị được mượn cớ để tạo ra sức ép về kinh tế đang hướng mũi dùi vào quốc gia này.
Sự trân trọng các giá trị Nga ở Trung Đông đã thay đổi đáng kể với thành quả cuộc chống khủng bố tại Syria. Vai trò của Moscow được tăng lên và có thêm các hợp tác không chỉ mua bán vũ khí mà còn cả kinh tế như dầu khí.
Hợp tác kinh tế ở Trung Đông rõ ràng là bước đệm giúp Moscow gây ảnh hưởng trong bối cảnh cấm vận. Nhưng nó cũng là cách thâu tóm thị trường khiến các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông và người mua hàng của họ không lấy gì làm vui vẻ.
Gần đây đã có các kịch bản xung đột Iran-Saudi Arabia diễn ra với các lý do tình hình căng thẳng ở Lebanon.
Lebanon sẽ biến thành một Syria thứ hai? Điều đó rất tệ nhưng không thể không được tính toán bởi hiện nay là thời điểm chia lại thị trường ở Trung Đông, xảy ra do những thành quả mà Moscow thực sự có được tại Syria.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Trả lời