Liên kết vùng nâng cao giá trị hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Liên kết vùng nâng cao giá trị hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Chuỗi dịch vụ logistics liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tăng cường liên kết vùng là giải pháp nâng cao giá trị hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm tăng cường liên kết vùng do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, chiều 8/12.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

*Khoảng trống liên kết

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC đánh giá, đại dịch COVID-19đã làm thay đổi cục diện nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, là nguyên nhân dẫn đến sự đứt gãy hàng loạt các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại dịch dần được kiểm soát tại các nước nhưng cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã làm cho giá nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào tăng, cùng với việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID làm tăng thêm rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm thay thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này đem lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề cấp thiết được đặt ra cho việc phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu là làm thế nào để giảm sự phụ thuộc của các doanh nghiệp vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, gia tăng tỉ trọng nguồn cung nguyên liệu nội địa.
Phân tích những hạn chế trong chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, mà còn là thị trường tiêu thụ lớn và là đầu mối xuất khẩu của cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố, còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc qua nhiều đường khác nhau.
Ngược lại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà để kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của không chỉ Tp. Hồ Chí Minh nói riêng mà còn các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước, đặc biệt là xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh nêu những bất cập trong chuỗi cung ứng tại toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Tuy nhiên, việc kết nối, liên kết giữa khu vực sản xuất với trung tâm chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vẫn chưa thực sự căn cơ, chưa đi vào chiều sâu và chưa phát huy hết tiềm năng của các địa phương có lợi thế phát triển nguyên liệu cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh.
Theo bà Lý Kim Chi, có rất nhiều nguyên nhân nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên; trong đó, các doanh nghiệp, địa phương đang thiếu thông tin phân tích và dự báo thị trường, số liệu về nguồn cung ứng, nhu cầu, chất lượng, giá cả… còn rất rời rạc, rất thiếu và không kịp thời. Thực tế nhiều vùng nguyên liệu cũng đã được hình thành, nhưng hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng.  Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chủ yếu thu mua qua trung gian, phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thương lái.
Một nguyên nhân khác là tỷ lệ tổn thất nông, thủy sản sau thu hoạch đang ở mức rất cao khi khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém vì rất thiếu hệ thống kho lạnh. Theo thống kê, hiện Đồng bằng sông Cửu Long chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam và hệ thống kho lạnh được phân bố nhiều nhất tại Long An và một số ít tại Cần Thơ và Hậu Giang. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu khiến chi phí logictics rất cao, trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng…

*Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Công Luân, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận chuyển, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng. Có thể thấy, chuỗi dịch vụ logistics liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cần có những giải pháp kịp thời.

Lãnh đạo ITPC chủ trì Toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Theo đó, cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng logistics; đồng bộ hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho sản phẩm trong vùng từ sản xuất, thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm của vùng.
Bà Lý Kim Chi cho rằng, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Điều quan trọng nhất nhằm xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững là cần phải có sự gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Việc liên kết vùng cung ứng với các trung tâm chế biến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến; hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại. Giám sát, đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn từ sản xuất đến phân phối, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là yêu cầu khắc khe từ các thị trường xuất khẩu. Liên kết chặt chẽ cũng sẽ giúp gia tăng giá trị nông thủy sản góp phần rất lớn trong việc bổ sung và làm đa dạng, chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất ổn định cho Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Lý Kim Chi, để thúc đẩy các hoạt động kết nối, liên kết đi vào chiều sâu, rất cần sự vào cuộc của không chỉ của Tp. Hồ Chí Minh mà cả các tỉnh thành và cơ quan ban ngành trong việc thúc đẩy tháo gỡ các điểm nghẽn chính hiện nay. Đầu tiên, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Ngành chế biến lương thực thực phẩm đề xuất Tp. Hồ Chí Minh  kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa thành phố với các tỉnh thành; đồng thời, nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tại các tỉnh với vai trò là doanh nghiệp đầu ngành.
Bên cạnh đó cần thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi kho lạnh, kho bảo quản. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh cần bố trí quỹ đất phù hợp, có thể liên kết với các tỉnh, có các chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất, lãi vay, quy trình cấp phép… đối với các dự án kho lạnh để bảo quản, dự trữ nguyên liệu nông sản phục vụ chế biến sâu cho tiêu dùng và xuất khẩu./.

Xuân Anh/TTXVN

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *