Loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 3/2022

Loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 3/2022

Quy định phòng, chống thiên tai lĩnh vực đường bộ; Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; quy định về kinh doanh bất động sản… là những chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2022.

Bổ sung quy định phòng, chống thiên tai lĩnh vực đường bộ

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/1/2019 quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.

Chú thích ảnh
Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2022. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTXVN

Thông tư bổ sung Điều 9a về công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai vào sau Điều 9 (chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các hệ thống đường bộ địa phương; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về giao thông đường bộ của UBND cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai bao gồm: Thời điểm bắt đầu, diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do ảnh hưởng của thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra; các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.

Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung Điều 11a xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai vào sau Điều 11 (hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai). Cụ thể, xây dựng công trình khẩn cấp nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt. Xây dựng công trình khẩn cấp phải được thực hiện bằng Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của cấp có thẩm quyền.

Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp có các nội dung chính như mục đích xây dựng, địa điểm xây dựng; người được giao quản lý thực hiện xây dựng công trình; thực hiện xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông.

Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng công trình khẩn cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2022.

Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics. Theo Thông tư, Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hoạt động logistics, chi phí logistics trong nền kinh tế quốc gia và các dịch vụ logistics thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics gồm danh mục 63 chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư, trong đó có: 13 chỉ tiêu thống kê logistics kết cấu hạ tầng; 6 chỉ tiêu thống kê logistics phương tiện vận tải; 6 chỉ tiêu thống kê logistics đào tạo nguồn nhân lực; 7 chỉ tiêu thống kê logistics doanh nghiệp, lao động; 13 chỉ tiêu thống kê logistics thương mại, dịch vụ; 3 chỉ tiêu thống kê logistics ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính; 5 chỉ tiêu thống kê logistics thời gian, chi phí logistics; 10 chỉ tiêu thống kê logistics năng lực và chất lượng dịch vụ logistics. Nội dung chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê logistics được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022.

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BCT ngày 28/1/2022 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.

Theo đó, các mã hàng khẩu trang y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 6307.90.40; mã hàng 6307.90.90.

Các mã hàng găng tay y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 3926.20.90;  mã hàng 4015.11.00; mã hàng 4015.19.00.

Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) mã hàng 6210.10.90 cũng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

 

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/3/2022 được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.

Giám sát tuân thủ đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2022/TT-BTC ngày 8/2/2022 hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Thông tư 06 nêu rõ, phương thức giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên cơ sở báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; phản ánh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán và các nguồn tin trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát tuân thủ hàng năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ 24/03/2022.

Quy định mới về hoạt động trạm thu phí đường bộ

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.

Thông tư quy định rõ tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ là phải đặt trong phạm vi của dự án; phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại UBND cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/03/2022 và thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Thùy Linh (TTXVN)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *