Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD

(Xây dựng) – Những năm gần đây, nhiều cơ sở, ngành nghề sản xuất VLXD theo công nghệ cũ, lạc hậu đã được loại bỏ, chuyển đổi công nghệ sản xuất. Nhiều dự án sản xuất VLXD được đầu tư mới theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất ra nhiều sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường. Một số lĩnh vực như sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính tiết kiệm năng lượng đã đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới và có tính cạnh tranh trên thị trường… Đây là thành quả của những nỗ lực trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất VLXD.

nang cao hieu qua cong tac bao ve moi truong trong san xuat vlxd

Hầu hết các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ bảo vệ môi trường.

Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy sản xuất VLXD

Triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các quy định của pháp luật liên quan, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản trong lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất VLXD gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần đưa các quan điểm, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD Trung ương đến địa phương.

Trong các văn bản như Luật Xây dựng 2014, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD, các chiến lược, quy hoạch về VLXD, xi măng, khai thác khoáng sản làm VLXD, phát triển vật liệu không nung, đề án xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, gang thép đều đã có các mục tiêu, chỉ tiêu quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản làm VLXD.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BXD về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng. Hàng năm, Bộ đều tổ chức các hoạt động kiểm tra, làm việc, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất VLXD về công tác bảo vệ môi trường. Số liệu báo cáo năm 2019 của một số tập đoàn, tổng công ty, cơ sở sản xuất VLXD và các địa phương gửi về Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ bảo vệ môi trường, tuân thủ các nội dung trong hồ sơ bảo vệ môi trường được phê duyệt. 95,7% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; 14,9% chất thải nguy hại được xử lý tại cơ sở; 85,1% chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý; 38,9% chất thải công nghiệp thông thường được xử lý tại cơ sở, 60,9% chuyển giao cho các đơn vị chức năng xử lý; 63,8% cơ sở có phát sinh nước thải đã được cấp phép xả thải… Các tổng công ty, tập đoàn lớn có bộ phận chuyên trách quản lý, giám sát các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tương đối tốt.

Vẫn còn những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở sản xuất VLXD còn một số hạn chế, tồn tại như việc chấp hành, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các nội dung theo báo cáo ĐTM được phê duyệt ở một số cơ sở sản xuất VLXD còn chưa nghiêm túc.

Đối với các nhà máy sản xuất xi măng, theo quy định thì phải đầu tư lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện nhưng đến năm 2019 mới có 14/82 dây chuyền sản xuất xi măng lắp đặt thiết bị này.

Một số cơ sở sản xuất gạch ốp lát còn sử dụng công nghệ khí hóa than làm nhiên liệu sản xuất nên phát sinh khí thải, nước thải có nồng độ chất ô nhiễm cao, cần xử lý trước khi xả thải ra môi trường…

Việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, xóa lò gạch, lò vôi thủ công ở một số địa phương còn chậm. Một số DN, cơ sở sản xuất VLXD được đầu tư xây dựng, hoạt động trong các năm trước đây với công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính yếu kém, vị trí cơ sở sản xuất nằm rải rác, không thuộc KCN, cụm công nghiệp nên gặp khó khăn để đổi mới công nghệ, đầu tư cho xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Nhiều cơ sở sản xuất VLXD có quy mô vừa và nhỏ chưa có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về môi trường nên gây khó khăn cho công tác thực thi các quy định về bảo vệ môi trường.

Qua công tác quản lý nhà nước và hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành sản xuất VLXD, Bộ đã đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn và chấn chỉnh các DN, tổ chức, cá nhân về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển ngành sản xuất VLXD theo hướng bền vững.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đối với ngành sản xuất VLXD

Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo đồng bộ, thống nhất quản lý giữa các bộ ngành và các cấp từ Trung ương đến các địa phương; Chú trọng các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong việc xây dựng, ban hành các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý VLXD và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các quy định về lắp đặt hệ thống quan trắc tự động khí thải, nước thải; lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện trong các cơ sở sản xuất xi măng.

Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Khuyến khích sử dụng chất thải công nghiệp thông thường làm VLXD, khuyến khích phát triển sản phẩm VLXD xanh, thân thiện môi trường.

Tăng cường công tác phổ biến các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực môi trường, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ở Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan, các cơ sở sản xuất VLXD; Xây dựng và phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt trong quản lý môi trường các cơ sở sản xuất VLXD.

Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Xây dựng với Bộ TN&MT và các địa phương trong việc tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thực hiện công tác quy hoạch, thu hút, sắp xếp các cơ sở sản xuất VLXD vào trong các KCN, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, xử lý chất thải, quan trắc, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của cơ sở; Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực VLXD, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.v

Nguồn: Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *