Nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc quan tâm tới ngành logistics Việt

Nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc quan tâm tới ngành logistics Việt

(VLR) Thị trường logistics ngày càng trở nên sôi động hơn khi chứng kiến “làn sóng” thương vụ “triệu đô” giữa doanh nghiệp Việt với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngành logistics Việt Nam có cơ hội tăng thu hút đầu tư

Ngành logistics Việt Nam có cơ hội tăng thu hút đầu tư

Nhiều “ông lớn” đổ vốn vào logistics Việt

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian gần đây, hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành dịch vụ logistics có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, ghi nhận nhiều thương vụ vốn Nhật Bản và Hàn Quốc đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Đơn cử như, vào đầu tháng 7 vừa qua, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã ký kết Hợp đồng liên doanh với đối tác Suzue Nhật Bản về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và logistics. Hay Tập đoàn Sumitomo cũng vừa hợp tác với Công ty Suzuyo và một quỹ công-tư chuyên về đầu tư hạ tầng của Nhật Bản, chi gần 40 triệu USD để mua 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Gemadept của Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Sumitomo cho biết, thông qua thương vụ trên, Tập đoàn muốn xây dựng một hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng với việc mua lại cổ phần tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công việc giấy tờ khác.

Một “ông lớn” khác đến từ Nhật Bản cũng vào cuộc trong sân chơi logistics tại Việt Nam là Tập đoàn Mitsui O.S.K Lines (MOL). Đầu tháng 7, MOL đã đến khảo sát Cảng quốc tế Vĩnh Tân (VTIP) để xem xét đưa các tàu của MOL vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia vào cảng.

Ngoài ra, MOL cũng tìm hiểu khả năng làm hàng gỗ dăm của các doanh nghiệp trong khu vực cảng Vĩnh Tân. Trước đó, vào tháng 6, MOL cùng Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ cảng biển Việt Nam (Viseco), Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông và cơ giới (HTM) và Công ty Cổ phần liên kết vàng (Golden Link), lập Liên doanh MVG triển khai Dự án kho bãi MVG Đình Vũ.

Tuy đi sau Nhật Bản, nhưng dòng vốn Hàn Quốc đổ vào lĩnh vực logistics Việt Nam lại hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội. Thương vụ đáng chú ý là Samsung SDS – công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quppcs) bắt tay với Công ty Cổ phần logistics hàng không (ALS) để lập Liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ.

M&A tăng năng lực cạnh tranh

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 2 – 3% tổng số doanh nghiệp logistics, nhưng lại nắm giữ 70 – 80% thị phần của ngành.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, do tiềm lực còn yếu. Ngoài ra, vì thị trường quá phân mảnh nên không hiếm trường hợp, để có mối làm ăn, nhiều doanh nghiệp phải chịu kinh doanh với mức giá gần như hòa vốn. Chưa kể, chất lượng dịch vụ giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài rất chênh lệch, nên nhiều tập đoàn lớn vẫn lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp logistics ngoại cung cấp trọn gói dịch vụ logistics, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ cung cấp những dịch vụ rời rạc.

Tuy nhiên, công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đang cải thiện đáng kể, xếp vị trí 39/160 nước, đứng thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) trên bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018. Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Với những yếu tố bất lợi, cùng tiềm năng tăng trưởng từ thị trường nêu trên, việc M&A trong lĩnh vực logistics là điều tất yếu và là lựa chọn hợp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương, xu hướng phát triển trong nguồn cung dịch vụ logistics tại Việt Nam sẽ là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics để chia sẻ lợi nhuận từ khai thác lợi thế về hạ tầng và vận tải, cũng như tăng năng lực cạnh tranh để vươn đến các nấc thang cao hơn trong chuỗi dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, việc vận hành và đặc thù của Việt Nam có thể sẽ khác biệt so với kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đây chính là phần mà đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ.

Hiện, Việt Nam đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD.

Ngành logistics được dự báo sẽ chiếm 8 – 10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025. Các doanh nghiệp thuộc nhóm nước đang đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp… được dự báo vẫn sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *