Nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2008

Nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2008

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết tình hình đang ngày càng bất ổn khi nhu cầu dầu trên toàn thế giới tăng trưởng rất chậm chạp trong giai đoạn từ tháng 1-5/2019 với mức tăng 520.000 thùng/ngày.

Nhu cau dau mo the gioi tang voi toc do cham nhat ke tu nam 2008 hinh anh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Market Watch)

Báo cáo hằng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 9/8 cho biết những dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu cùng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong bản báo cáo, IEA cho biết tình hình đang ngày càng bất ổn khi nhu cầu dầu trên toàn thế giới tăng trưởng rất chậm chạp trong giai đoạn từ tháng 1-5/2019 với mức tăng 520.000 thùng/ngày.

Tính riêng trong tháng Năm, nhu cầu dầu của toàn cầu đã giảm 160.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2018 và đây cũng là tháng giảm thứ hai của năm 2019.

Theo cơ quan này, Trung Quốc là nguồn tăng trưởng chủ chốt duy nhất với mức tăng 500.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay. Vào cùng giai đoạn, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ và Ấn Độ chỉ đạt 100.000 thùng/ngày.

IEA nhận định triển vọng cho một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề thương mại đã mờ nhạt. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động thương mại và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Báo cáo của IEA cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2019 và 2020 xuống còn lần lượt 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày.

IEA nhấn manh triển vọng của thị trường năng lượng hiện rất mong manh với khả năng đi xuống cao hơn so với điều chỉnh đi lên.

Trong báo cáo, IEA cũng cho rằng kế hoạch kiềm chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh đã thắt chặt thị trường năng lượng. Nhưng theo IEA, sự cân bằng sẽ chỉ mang tính tạm thời vì hoạt động sản xuất của các nước ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2020 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, IEA cũng cho biết dù những mối quan tâm về tranh chấp kinh tế đang lấn át nỗi lo về tình hình địa chính trị, thị trường dầu mỏ vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh.

Báo cáo của cơ quan này cho hay những biện pháp trừng phạt của Washington đã khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Tehran trong tháng Bảy giảm 130.000 thùng/ngày xuống còn 400.000 thùng/ngày – mức thấp nhất kể từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đến nay./.

Nguồn: Vietnam+

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *