Nối bước cước ngoại – cước nội chuẩn bị “tăng phi mã”

Nối bước cước ngoại – cước nội chuẩn bị “tăng phi mã”

Quý IV hàng năm được dân trong ngành logistics gọi chung là “mùa cao điểm”, vì đây là thời gian sản lượng hàng vận chuyển nội địa tăng đột biến do nhu cầu vận chuyển nguyên liệu sản xuất và hàng hóa chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm trong nước cũng như xuất khẩu vào những tháng cuối năm. Chuyện cuối năm đi “săn slot” hãng tàu diễn ra đều như cơm bữa.

Nhu cầu vận chuyển đường biển nội địa quý IV có thể sẽ tăng đột biến (Ảnh minh họa)

Nhu cầu vận chuyển đường biển nội địa quý IV có thể sẽ tăng đột biến (Ảnh minh họa)

Với việc gia tăng thêm năng lực vận chuyển thông qua việc mua sắm tàu mới của một số hãng tàu đã giúp năng lực vận chuyển đường biển nội địa tăng thêm khoảng đáng kể, đáp ứng được sản lượng tăng trưởng của năm 2021. Sản lượng hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 577.593 TEUs, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Theo thống kê sản lượng hàng container vận chuyển nội địa hàng năm, sản lượng nửa cuối năm dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 15% so với nửa đầu năm. Dự báo sản lượng 6 tháng cuối năm 2021 sản lượng có thể đạt tới 660.000 TEUs.

Việc dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hà Nội và TP.HCM – 2 thị trường ttiêu thụ lớn nhất trong những tháng gần đây đang làm hạn chế rất lớn việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa nội địa, điều này cũng làm cho một lượng hàng lớn đang và đã sản xuất phải lưu tại các nhà máy, bãi, cảng ở cả 2 đầu Nam – Bắc. Sản lượng hàng hóa nội địa tháng 8 đạt khoảng 86.500 TEUs, giảm 15% so với tháng 7; đây cũng là phần sản lượng được dồn sang các tháng trong quý IV khi kiểm soát dịch thành công.

Dự kiến, quý IV khi chúng ta đã khống chế dịch thành công và mở cửa lại các thành phố, lượng hàng có nhu cầu vận chuyển đường biển nội địa quý IV sẽ tăng đột biến và có thể đạt tới 380.000 TEUs. Trong khi đó, năng lực vận chuyển của đội tàu nội địa của chúng ta năm 2021 chỉ khoảng 330.000 TEUs/Quý (đáp ứng được 87% nhu cầu dự kiến).

Tuy nhiên, thực tế năng lực đội tàu nội địa của chúng ta trong những tháng cuối năm còn thấp hơn như vậy rất nhiều. Việc giá thuê tàu của các Line tàu ngoại đang rất cao đã khiến cho các hãng tàu nội địa cho thuê một phần đội tàu của mình trong tháng 8, như: Vietsun Confident của Vietsun, Phúc Thái của GLS, Prosgress của Vsico, Fortune Navigator của Vosco,… Các đội tàu khác như: GMD, TCS, Vinafco cũng đã tiến hành cho thuê một phần đội tàu của mình. Năng lực vận chuyển của đội tàu nội địa trong quý IV sẽ chỉ còn khoảng 80% so với trước tháng 8 tức là chỉ đáp ứng được khoảng 265.000 TEUs (70%) nhu cầu vận chuyển hàng container biển nội địa trong quý IV/2021.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 115.000 TEUs bị thiếu chỗ (so với hàng năm chỉ thiếu 10.000 – 20.000 TEUs). Trong khi việc vận chuyển đường bộ Bắc – Nam đang cực kỳ bị hạn chế do dịch bệnh làm cho thiếu lái xe, phát sinh chi phí và thời gian xét nghiêm PCR trong quá trình di chuyển làm tăng thời gian vận chuyển và chi phí lên tới gần 70 – 80 triệu đồng/1 container Bắc – Nam.

Tất cả những yếu tố này sẽ làm cho thị trường vận tải nội địa “vỡ trận” trong quý IV, giá cước biển sẽ tăng cao kỷ lục và có thể đạt tới 200% so với cùng kỳ. Thậm chí việc thiếu chỗ sẽ thu hút các đơn vị FWD “ôm hàng – làm giá” sẽ đẩy giá cước biển nội địa tới tay khách hàng có thể đạt 15 – 20 triệu/Container.

Trong câu chuyện này, khách hàng sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất trong khi các hãng tàu nội địa và đại lý sẽ được hưởng lợi kép từ cả việc cho thuê tàu và tăng giá cước. Như vậy, việc các hãng tàu đồng loạt cho thuê 1 phần đội tàu để giảm năng lực khai thác vào đúng mùa cao điểm hàng năm mà “ai cũng biết” liệu có phải chỉ về giá thuê tàu cao hay vì muốn đạt được điều gì khác nữa? Và nước cờ này thực sự đã đi đúng hay lại mang về một kết quả “được không bù mất”.

Theo TG/vlr.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *