Quản lý rác thải nông thôn: Cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng

Quản lý rác thải nông thôn: Cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng

(Xây dựng) – Hiện nay, chất thải rắn (CTR) không còn là vấn đề cấp bách của riêng các đô thị và các thành phố lớn mà đã trở thành vấn đề đáng báo động cả ở các vùng nông thôn. Sự phát triển mạnh mẽ các ngành nghề như sản xuất giấy, cơ khí, mạ, nhuộm… cùng việc thay đổi tập quán sinh sống làm cho các áp lực từ CTR khu vực nông thôn gia tăng cả về thành phần, tính độc hại và tải lượng rác thải, gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân…


Tỷ lệ thu gom CTR nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 – 55%

Tỷ lệ thu gom còn thấp

Thời gian qua, bên cạnh sự chuyển biến tích cực về kinh tế do quá trình CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn đã dẫn đến lượng CTR khu vực nông thôn ngày càng gia tăng.

Theo Báo cáo môi trường quốc gia, chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất.

Như tại làng nghề giấy tái chế Phong Khê (Bắc Ninh), làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, giấy Phú Lam… hằng ngày thải ra môi trường nước thải không qua xử lý, chứa nhiều độc tố gây ô nhiễm môi trường nước mặt, trong đó có nhiều loại độc tố có hàm lượng cao gấp hàng chục lần tiêu chuẩn cho phép. Hay tại làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa (xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Từ những ví dụ trên cho thấy, nước thải từ các làng nghề đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng. Hiện các làng nghề cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ chưa được cải tiến, thiết bị thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp…

Cùng với đó, việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt khu vực nông thôn phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này.

Trong khi đó, nhiều địa phương chưa tổ chức lực lượng thu gom hoặc có đơn vị thu gom nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) dẫn đến môi trường tại một số khu vực nông thôn đang có dấu hiệu ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và CTR…

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn

Một vấn đề quan trọng theo các chuyên gia môi trường, quy hoạch cho rằng cần được quan tâm chính là nhận thức của công dân và cộng đồng đang sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao, người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT; việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng còn hạn chế.

Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT, nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn ít về số lượng, bất cập về chất lượng. Vấn đề đầu tư cho công tác BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu, còn dàn trải và thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, công nghệ xử lý CTR sinh hoạt chưa đồng bộ, hiện đại, chủ yếu là công nghệ chôn lấp (chiếm tới 75%) và một số ít cơ sở xử lý chất thải sử dụng công nghệ sản xuất phân mùn hữu cơ, công nghệ đốt và các nghệ tái chế khác.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn tuy đã được thu gom, xử lý tăng dần theo các năm nhưng tỷ lệ thu gom còn thấp trung bình đạt khoảng 40 – 55%. Các vùng sâu, vùng xa chỉ đạt khoảng 10%. Do đó, cần thực hiện các giải pháp giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe nguồn nhân lực tại các vùng bị ô nhiễm… như: Cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn; chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó những chế tài xử phạt phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm…

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và BVMT; đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; đẩy mạnh hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải rắn; đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm về tái chế, tài sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải rắn… Đây là những vấn đề cần được các cơ quan quản lý môi trường quan tâm.

Linh Đan

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *