Quảng Bình: Biển “lấn” sát làng, nguy cơ mất đất, mất công trình

Quảng Bình: Biển “lấn” sát làng, nguy cơ mất đất, mất công trình

(Xây dựng) – Những năm qua, do tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, kèm với sóng to gió lớn trong cơn bão số 10, biển lấn sâu vào đất liền, tàn phá nhiều công trình đê kè biển, hàng quán, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân ven biển Quảng Bình.


Công trình dân sinh, hàng quán bị nước biển gây hư hỏng.

Sống nơi đầu sóng

Dọc theo quốc lộ 1A, khi qua đèo Ngang chưa đầy 10km về phía Đông Nam, đứng trên cầu Roòn nhìn về hướng biển, bạn sẽ thấy một vùng quê trù phú, nhộn nhịp tàu thuyền. Nhà cửa lô nhô mái tôn, mái ngói mọc dày ra tận phía biển. Đó chính là xã biển Cảnh Dương, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Xã Cảnh Dương có diện tích khoảng 1,53 km², với hơn 2.000 hộ dân sinh sống. Người dân Cảnh Dương vốn đã quen ở nơi đầu sóng, ngọn gió bấy lâu. Trong những tháng nửa cuối năm, khi thời tiết bất thường, giông gió ầm ầm kéo đến, sóng biển cùng với bão tố tiến thẳng vào bờ: con người thực sự nhỏ bé và mỏng manh.

Cứ mỗi mùa mưa bão đến, bà con nơi đây lại nơm nớp lo sợ. Trước tình trạng nước biển xâm thực, sạt lở bờ biển, gãy đổ công trình xảy ra hàng năm, nhiều phương án cũng đã được tỉnh Quảng Bình tính đến như sơ tán người dân ở vùng sạt lở, xây dựng hệ thống đê biển tại những vùng xung yếu.

Khi có mặt tại đây, chúng tôi dễ nhận thấy quang cảnh vắng vẻ, hoang sơ hơn trước. Nhiều công trình trơ khung, siêu vẹo; có nhiều điểm đất sạt lở; hệ thống cừ tạm và hàng rào chắn sóng bằng bê-tông bị sóng lớn đẩy sâu vào đất liền, nằm gọn trên cồn cát… Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình trạng biển lấn vào đất liền ngày càng phức tạp; theo chỉ dẫn của cư dân bản địa, chạy dài 1km ven biển, qua các thôn Duyên Hải, Trung Vũ, Đông Cảng có nhiều điểm công trình bị tàn phá, nước biển xâm thực mạnh. Không chỉ mất đất, mất công trình, sinh kế của người dân cũng không còn, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh.


Cừ tạm, hàng rào chắn sóng bị nước biển tàn phá.

Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Thanh Thuyết (thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương) cho biết: Vào giữa tháng 9 vừa qua, trong và sau bão số 10, triều cường dâng cao cùng với sóng to gió lớn đã làm sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, đánh sập nhiều hàng quán của dân, thiệt hại nhiều tài sản. Chỉ trong thời gian ngắn, biển lấn sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn cuộc sống và tính mạng của các hộ dân, cũng như các công trình đã được đầu tư xây dựng.

Cần tìm giải pháp khả thi

Vấn đề sạt lở ở bờ biển xã Cảnh Dương đã được cảm nhận và dự báo từ lâu trước đó. Theo hoài niệm của đa phần người dân làng chài thì những năm 1984 – 1985, biển còn cách xa khu dân cư hàng trăm mét. Bãi cát dài năm nào mà những đứa trẻ thế hệ 7X, 8X chạy bỏng chân mới đến tận biển. Qua thời gian, cứ mỗi năm biển lại lấn vào đất liền một ít. Nhất là những năm bão tố đến nhiều và có cường độ mạnh. Cứ mỗi mùa bão biển, công trình dân sinh bị nước biển gây hư đổ rất nhiều…


Một người dân đang chia sẻ với phóng viên về quá trình biển lấn và dự cảm.

Thời điểm những năm 1990, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã từng cho khảo sát địa chất khu vực xã Cảnh Dương để làm đê biển. Tuy nhiên, đề án này lập ra nhưng do khó khăn về vốn nên phải tạm ngưng.

Phải đến năm 2011, khi nước biển xâm thực mạnh vào đất liền. Người dân và chính quyền xã Cảnh Dương đã mời các chuyên gia, nhà khoa học về địa phương, đi thực địa khảo sát, lập dự toán làm đê biển với kinh phí đề ra khoảng 80 tỷ đồng. Địa phương sau đó trình công văn lên UBND tỉnh Quảng Bình để tỉnh đề xuất ra Trung ương xin hỗ trợ. Tuy vậy, đề án vẫn chưa triển khai được.

Và khi cơn bão số 10 ngày 15/9/2017 quần thảo Quảng Bình, Hà Tĩnh nhiều giờ liên tiếp, thì nguy cơ thiên nhiên xóa sổ làng biển Cảnh Dương trong nay mai đã là điều trước mắt. “Đợt này biển lấn sâu khoảng 20m so với năm 2016, biển lấn hẳn vào đất liền chứ không phải là tình trạng nước biển dâng một thời gian rồi rút” – ngư dân Nguyễn Văn Tú chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý trích ngân sách để làm tuyến đê biển này với kinh phí 9 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 triển khai. Hiện giờ, ngoài thời gian cho công việc chính là ra khơi đánh bắt hải sản, phục vụ việc mưu sinh. Cùng với đó, hoạt động đưa phế liệu xây dựng, gạch đá được người dân vận chuyển ra đổ tại bờ biển, với hi vọng tăng cường khả năng chắn sóng. Trước mắt là giải quyết những vấn đề về kè mềm, còn phần kè cứng thì tiếp tục kiến nghị và đề nghị.

“Hệ thống cừ biển và hàng rào chắn sóng tại khu vực này đã bị sóng biển tàn phá, đẩy xô lên bờ cát. Trước sức tàn phá của thiên nhiên, thì việc ứng cứu như làm cừ biển, xây hàng rào chắn sóng và xây đê kè chắn sóng biển sẽ là giải pháp hiện thời. Nếu biển cứ tiếp tục xâm thực như thế này thì khu vực Cảnh Dương chưa biết sẽ ra sao” – một ngư dân bùi ngùi chia sẻ.


Biển tiến sát vào làng chài, đem theo những rủi ro tiềm ẩn.

Việc bảo vệ làng mạc, đê biển xung yếu đang là vấn đề rất nguy cấp, nếu không có giải pháp căn cơ, thì nhiều diện tích đất bãi bồi ven biển sẽ biến mất. Bên cạnh nội lực của địa phương, cần được Trung ương và các ngành chủ quản quan tâm chỉ đạo.

Nhất Linh

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *