Saudi Arabia đặt sức ép lên các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ

Saudi Arabia đặt sức ép lên các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ

Mục đích của Saudi Arabia là nhằm tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất dầu đá phiến đang rơi vào tình trạng nợ nần của Mỹ và giành được thị phần từ Nga.

Cơ sở lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga đã có sự bất đồng về việc cắt giảm sản lượng, nhằm kiềm chế đà sụt giảm của giá dầu thô trên thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sự chia rẽ này đã khiến các thị trường lâm vào thế “rơi tự do”. Giá dầu giảm tới 30% trong ngày 9/3, mức sụt giảm sâu nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 cho đến nay. Giá trị các cổ phiếu cũng đi xuống, cuốn trôi nhiều tỷ đô la trên thị trường chứng khoán thế giới.

Tại cuộc họp ngày 6/3, các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã không thể đi đến nhất trí về việc cắt giảm sản lượng. Diễn biến này cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của OPEC. Một trong số các mục tiêu của nhóm đặt ra là cùng nhau đảm bảo giá dầu ổn định.

Điều này được hiểu là giữ giá dầu đủ thấp để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, nhưng đủ cao để duy trì bền vững cho ngân sách của các nước thành viên OPEC. Tuy nhiên, OPEC không nắm giữ các hoạt động sản xuất trên thế giới. Sự lớn mạnh của các nhà sản xuất dầu của Mỹ, nước đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua, đã nâng cấp ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu.

Kể từ năm 2016, Saudi Arabia đã dựa vào các nước khác bên ngoài nhóm liên kết khống chế thị trường dầu mỏ, với vai trò đáng kể là Nga, để giúp nước này có ảnh hưởng lớn hơn trên thị trường liên minh OPEC+. Việc Nga cuối tuần trước từ chối không tham gia vào việc cắt giảm sản lượng dầu đã khiến Saudi Arabia quyết định phát động cuộc chiến giá dầu, bằng cách đẩy mạnh sản lượng dầu của mình và giảm giá bán dầu thô.

Mục đích của Saudi Arabia một phần là nhằm tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất dầu đá phiến đang rơi vào tình trạng nợ nần của Mỹ và muốn giành được thị phần từ Nga. Tuy nhiên, biện pháp này có thể sẽ gây tổn hại đáng kể cho tất cả các bên liên quan.

Ngày 9/3, Nga tuyên bố bắt đầu bước vào cuộc chiến về giá và cho biết nước này có thể kham được giá dầu dao động trong mức 25-30 USD/thùng trong vòng 6-10 năm. Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft dự định sẽ tăng sản lượng dầu vào tháng tới. Một thời kỳ duy trì giá dầu thấp có thể là tin xấu cho ngành công nghiệp dầu mỏ vốn không còn được các nhà đầu tư ưa chuộng do những tác động của ngành này đối với môi trường. Điều này sẽ khiến các nhà nhà sản xuất lớn phải nhìn lại các chính sách chia cổ tức của mình và cắt giảm chi tiêu.

Các công ty năng lượng là những nhà phát hành lớn nhất các trái phiếu có lợi suất cao đầy rủi ro, và chiếm tới hơn 11% của thị trường trái phiếu lợi suất cao. Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ là một trong số những nhà sản xuất thua lỗ lớn nhất. Thậm chí trước cả khi dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ, đã có mối quan ngại lớn về “sức khỏe” của ngành công nghiệp dầu khí liên quan đến vấn đề nợ nần.

Việc giá dầu liên tục giảm, và có thời điểm hạ xuống còn 30 USD/thùng trong phiên ngày 9/3, sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty nhỏ. Các chiến lược giảm rủi ro có thể giúp ứng phó với tình trạng này, nhưng việc giá dầu ở mức 30-35 USD/thùng sẽ khiến hàng loạt công ty thuộc lĩnh vực dầu đá phiến Mỹ không thể có lợi nhuận. Các nhà đầu tư cũng rất thờ ơ, không mặn mà với việc đổ thêm tiền để giúp các công ty này.

Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng trong cuộc chiến giá dầu. Giá dầu thấp hơn sẽ có lợi cho một số ngành công nghiệp như ngành hàng không, nhưng đối với nhiều hãng hàng không, điều này không thể bù đắp cho sự sụt giảm lượng hành khách mà các hãng đang đối mặt do kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn.

Những người lái xe cũng sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu giảm mạnh như thời điểm trước đây khi Saudi Arabia để cho thị trường rơi vào tình trạng dư cung. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, có ít bằng chứng cho thấy nhu cầu sẽ tăng lên do giá dầu thấp. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 9/3 lên tiếng cảnh báo rằng nhu cầu về “vàng đen” trên toàn cầu năm 2020 sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *