Tác động của sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu đối với kinh tế Singapore

Tác động của sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu đối với kinh tế Singapore

Lạm phát là mối đe dọa trực tiếp, nhưng một rủi ro dài hạn khác lại đang hiện hữu đối với Singapore, vì nước này chủ yếu sản xuất hàng hóa và linh kiện trung gian.
Tàu hàng neo đậu tại cảng ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên báo The Straits Times, xuất khẩu của Singapore dường như đã tăng bất chấp những sự đứt gãy về nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, những căng thẳng dai dẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể gây ra sự phân nhánh đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như “đảo quốc sư tử”.

Lạm phát là mối đe dọa trực tiếp, nhưng một rủi ro dài hạn khác lại đang hiện hữu đối với Singapore, vì nước này chủ yếu sản xuất hàng hóa và linh kiện trung gian. Do đó, nếu các mạng lưới nguồn cung toàn cầu cho đầu vào trải qua quá trình định hình lại bất ngờ và không thuận lợi, thì có thể có một sự điều chỉnh đối với kinh tế Singapore trong những năm tới.
Các đợt phong tỏa do COVID-19, tình trạng thiếu chất bán dẫn, đóng cửa cảng, thiếu container, công suất vận tải hàng hóa bằng đường hàng không giảm và những hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây đã đẩy chi phí logistics, giá đầu vào sản xuất và thời gian giao hàng của nhà cung cấp lên cao.

Những hạn chế đi lại cũng đã cắt giảm nguồn cung lao động, làm trầm trọng thêm mức độ gia tăng chênh lệch và không phù hợp về kỹ năng, đẩy mức lương tăng. Đây lại là một nguyên nhân nữa dẫn đến chi phí kinh doanh cao hơn.
Giá tiêu dùng ở Singapore đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Và ở Mỹ giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những tháng gần đây, chỉ số giá sản xuất (PPI) – chỉ số phản ánh chi phí đầu vào công nghiệp – cũng ở mức cao nhất kể từ năm 1995.
Một khảo sát gần đây của ngân hàng HSBC cho biết 70% số người trả lời trên toàn cầu cho rằng sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm giảm trung bình 22% doanh thu của công ty trong năm tới.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tiền tệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tạm dừng các đợt tăng lãi suất. Vì những hạn chế về nguồn cung hầu hết liên quan đến dịch bệnh và như vậy điều này có khả năng biến mất khi các nền kinh tế mở cửa hoàn toàn, nên các ngân hàng trung ương lo ngại rằng việc thắt chặt các điều kiện tài chính do lãi suất cao hơn có thể “giết chết” nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đang chớm nở.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, trong đó có Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS tức ngân hàng trung ương), tin rằng sự tắc nghẽn nguồn cung có thể sẽ giảm dần vào đầu năm 2022 khi số ca nhiễm mới COVID-19 giảm và tỷ lệ tiêm chủng tăng cho phép nới lỏng hơn nữa các hạn chế về đi lại.

Tuy nhiên, nếu biến thể mới Omicron là loại biến thể gây đột biến như biến thể Delta thì việc hoạt động kinh tế và lạm phát quay trở lại mức bình thường sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Điều đó làm tăng nguy cơ các vấn đề rắc rối về nguồn cung có thể còn kéo dài. Khi các điều kiện bất thường kéo dài quá lâu, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể học cách tồn tại trong trạng thái bình thường mới. Ví dụ, sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa có thể kéo dài sau dịch bệnh. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã và đang giảm trên toàn thế giới ở những nền kinh tế đang già hóa như Singapore.
Sự suy giảm lực lượng lao động đang làm việc, được đẩy nhanh hơn nữa bởi những thay đổi của thị trường lao động trong thời kỳ dịch bệnh, có thể không đảo ngược hoàn toàn hoặc nhanh chóng như dự đoán, nhưng dẫn đến áp lực tăng lương dai dẳng hơn.
Những tác động mang tính cơ cấu dài hạn hơn của dịch bệnh là nguồn gốc gây lo ngại đối với cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các công ty, đặc biệt là những công ty có sự hiện diện lớn trên toàn cầu. Dữ liệu của Ủy ban châu Âu (EC) từ một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 11 cho thấy số công ty thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) báo cáo tình trạng thiếu trang thiết bị, nguyên liệu thô và lao động ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Lần đầu tiên trong gần 40 năm qua, tỷ lệ công ty thiếu nguồn cung đã vượt số công ty không đủ cầu. Điều này nhấn mạnh quy mô chênh lệch cung – cầu khiến cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra này trở nên vô cùng lớn so với những cuộc suy thoái theo chu kỳ thông thường mà thế giới đã chứng kiến trong quá khứ. Số liệu từ Mỹ, nơi giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 30 năm qua, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ bất thường như thế nào.
Doanh số bán lẻ tính theo điều kiện thực ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tăng trong vài tháng qua, lên mức trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mức độ chi tiêu của Mỹ được thúc đẩy bởi sự gia tăng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, mà theo dữ liệu của Fed, con số này đã tăng hơn 35% trong hai năm qua – mức cao nhất từ trước đến nay trong bất kỳ giai đoạn hai năm nào. Đó cũng là lý do giải thích tại sao các thị trường vốn lại rất sôi động ở Mỹ và những nơi khác.

Quang cảnh trung tâm tài chính ở Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà sản xuất sẽ làm gì với số tiền mặt mà họ tích lũy được từ nhu cầu đối với hàng hóa gia tăng bất thường này? Họ đang tích trữ lượng lớn linh kiện đầu vào và linh kiện tồn kho để quản lý tình trạng thiếu hụt nguồn cung và kỳ vọng sẽ thu được lợi về giá. Đó có thể là một chiến lược tốt trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, việc duy trì lượng hàng tích trữ cao sẽ gây tốn kém và về lâu dài có thể cản trở lợi nhuận và các kế hoạch tăng công suất. Vì vậy, cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng càng kéo dài, các công ty sẽ càng có xu hướng tính toán lại mô hình kinh doanh của họ.
Những sự thay đổi dài hạn như lợi thế (đang mất dần) mà châu Á có được so với các nền kinh tế khác về giá nhân công rẻ hơn cũng như những cân nhắc chính trị nổi lên từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là những lý do chính khiến các công ty phải tính toán lại.

Dịch bệnh chỉ củng cố thêm ý tưởng này, thúc đẩy nhiều công ty hơn phải xem xét kỹ lưỡng địa điểm mà phần lớn các khách hàng và nhà cung cấp của họ đang ở và các công ty sẵn sàng trả với cái giá nào và rủi ro nào để phục vụ khách hàng ở xa cơ sở hoặc các thị trường chính của họ.
Họ có thể quyết định chuyển hướng đầu tư trong tương lai sang việc mở rộng sản xuất gần nhà hơn hoặc họ có thể tìm cách giành lại quyền kiểm soát các chuỗi cung ứng của mình bằng cách mua các công ty cung cấp cho họ các sản phẩm đầu vào và dịch vụ mà họ cần để sản xuất ra thành phẩm cuối cùng.

Cho đến nay, các cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy các công ty đang tìm cách tăng lượng hàng dự trữ và đa dạng hóa nguồn cung các thành phần chủ chốt đông hơn các công ty đang hướng tới nâng cao khả năng phục hồi thông qua những thay đổi vật lý về sự hiện diện chuỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, với các gói kích thích kinh tế của các chính phủ trên toàn thế giới lên tới hàng trăm tỷ USD, một số dự án đầu tư trong tương lai có thể được chuyển hướng. Những sự thay đổi như vậy trên toàn cầu sẽ diễn ra trong nhiều năm và có thể không phải là phổ biến cũng như không đồng nhất giữa các ngành khác nhau. Đối với các nền kinh tế nhỏ như Singapore, lựa chọn vẫn là mở cửa cho các dòng vốn và kỹ năng toàn cầu./.

Nguyễn Thúy (P/V TTXVN Tại Singapore)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *