Thẩm định quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen

Thẩm định quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen

(Xây dựng) – Ngày 21/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.


Toàn cảnh Hội đồng thẩm định.

Vùng đất giàu tiềm năng

Núi Bà Đen nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam, giữ vai trò thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế tỉnh Tây Ninh.

Núi Bà Đen cách TP Tây Ninh 11km về phía Đông Bắc theo đường Bời Lời (ĐT 790), cách biên giới Việt Nam – Campuchia 52km theo TL 792, cách TP Hồ Chí Minh về phía Đông Nam khoảng 87 km theo QL22, cách hồ Dầu Tiếng 20km.

Khu vực Núi Bà Đen có cảnh quan hấp dẫn, khí hậu mát mẻ, người dân địa phương còn duy trì được nhiều phong tục, tập quán, văn hóa, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa.

Thời gian qua, việc khai thác Núi Bà Đen có nhiều hạn chế. Hoạt động đầu tư khai thác mới chỉ dừng lại ở một số hạng mục như cáp treo, một số công trình vui chơi giải trí, công trình tôn giáo, tín ngưỡng… quy mô hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế hiện có của Khu du lịch Quốc gia. Các tiềm năng du lịch khác ở khu vực lân cận cũng hầu như chưa được khai thác bài bản và hiệu quả.

Theo đơn vị tư vấn, Liên danh Cty CP Tư vấn Xây dựng tổng hợp và Cty TNHH Tư vấn Xây dựng Ánh Dương, nguyên nhân của thực trạng trên là do hiện nay khu vực chưa xây dựng được một quy hoạch tổng thể, trên cơ sở đánh giá có hệ thống những tiềm năng của toàn tỉnh và khu vực, phát huy những lợi thế có sẵn, làm cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư, quy hoạch chi tiết cho từng trọng điểm phát triển du lịch.

Do vậy, việc lập quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035 có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Đây sẽ là cơ sở để quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực, đáp ứng nhu cầu thăm quan, du lịch của du khách thập phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, từng bước đưa Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen trở thành một trong những điểm nhấn du lịch quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và của cả nước.

Khai thác yếu tố tâm linh trong Khu du lịch

Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen nằm trên địa bàn các phường Ninh Sơn, Ninh Thạch, Thạch Tân (TP Tây Ninh), các xã Suối Đá, Phan (huyện Dương Minh Châu), quy mô khoảng 2.999 ha.

Theo quy hoạch, các khu chức năng gồm: Khu đất du lịch, thương mại, dịch vụ, lưu trú, nghỉ dưỡng 1.147,8 ha, chiếm tỷ lệ 38,27%; Đất nhà ở thương mại 135,2ha, tỷ lệ 4,5%; Đất di tích tôn giáo, tín ngưỡng (Chùa Bà) 29,57 ha, tỷ lệ 0,99%; Đất nông nghiệp, thắng cảnh 1.546,5ha, tỷ lệ 51,6%; đất hạ tầng kỹ thuật 139,94ha, tỷ lệ 4,7%.

Trong khu đất du lịch có tổng diện tích 1.147,8ha, bao gồm: Khu mô phỏng tâm linh trên đỉnh núi và các khu chức năng thương mại, dịch vụ, lưu trữ phục vụ du lịch 88,9ha; Khu phức hợp du lịch, dịch vụ kết hợp ở, lưu trữ, nghỉ dưỡng 733,7ha; Khu phức hợp du lịch, văn hóa, sân golf kết hợp lưu trữ, nghỉ dưỡng 325,2ha.

Các khu chức năng nói trên được bố trí hài hòa với khung cảnh tự nhiên, nhằm tôn trọng, phát huy các giá trị cảnh quan khu vực Núi Bà Đen. Cụ thể, tại đỉnh núi, hình thành cụm không gian điểm nhấn, với ý tưởng mô phỏng các công trình văn hóa, tâm linh để thu khách thập phương.

Tận dụng khí hậu mát mẻ và cảnh quan đặc sắc, khu vực đỉnh núi cũng bố trí các sản phẩm du lịch, bao gồm: Các khu vui chơi, giải trí trong và ngoài nhà, cụm khách sạn, resort nghỉ dưỡng từ trung đến cao cấp, hệ thống cảnh quan tự nhiên, mang lại những trải nghiệm đặc thù cho du khách…

Khu vực dưới chân núi, phía Đông Nam, hình thành khu vực “động”, với nhiều sản phẩm vui chơi giải trí náo nhiệt, bên cạnh là tổ hợp các công trình phục vụ thương mại, dịch vụ…

Khu vực phía Tây Bắc, với thung lũng Ma Thiên Lãnh thần bí là khu vực “tĩnh”, bao gồm các dự án phục vụ hoạt động thể thao, văn hóa nhẹ nhàng, các hoạt động nghỉ dưỡng cao cấp như: Sân golf, khu khách sạn, resort… bảo đảm kết hợp hài hòa với cảnh quan hồ nước, cảnh quan rừng núi.

Khoảng đệm giữa 2 khu vực “động” và “tĩnh” là các chức năng sinh thái như vườn thú, Safiri, vườn chim, vườn bướm, làng văn hóa dân tộc, vườn cây ăn quả… sẽ tạo thành hành lang cây xanh sinh thái, vùng bảo vệ cho khu vực chân núi.

Cùng với đó, đồ án cũng nêu lên định hướng phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch cấp điện, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường, quy hoạch thông tin liên lạc khu vực núi Bà Đen đến năm 2035.

Cần làm rõ các vấn đề liên quan đến di sản, rừng đặc dụng

Nhằm giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo thuyết minh đồ án, các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã đưa ra những ý kiến góp ý về các lĩnh vực như đầu tư, giao thông, tài nguyên môi trường, văn hóa thể thao, an ninh quốc phòng…

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Nguyễn Thành Hưng – chuyên gia phản biện 1 góp ý: Đồ án cần tập trung phân tính hiện trạng một cách đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, trong đó chú ý cập nhật, bổ sung những thông tin, dữ liệu mới nhất có thể, nhằm tạo cơ sở để đưa ra những dự báo chính xác và sát thực về dân số, sử dụng đất, về vấn đề tái định cư và các vấn đề khác có liên quan.

Còn theo chuyên gia phản biện 2, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Trần Anh Tuấn, đồ án cần nhấn mạnh vai trò, vị trí Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen đối với phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh cũng như với khu vực Đông Nam bộ. Đồng thời, bổ sung các tuyến giao thông cần thiết nhằm tăng cường khả năng kết nối các khu chức năng trong Khu du lịch.

Địa phương cần chú ý đánh giá tác động môi trường sinh thái khi xây dựng các tuyến cáp treo, xây dựng hệ thống cống thoát nước ở khu vực suối Tre đảm bảo chống ngập cho khu vực và đảm bảo an toàn cho khách tham quan.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng cũng cho rằng: Nội dung đồ án cần làm rõ yêu cầu về kiến trúc cảnh quan trong các phân khu, đặc biệt là khu vực đỉnh núi Bà, trong đó phải tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật về di sản văn hóa và về rừng đặc dụng, rà soát diện tích xây dựng sân golf đảm bảo hợp lý.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc làm rõ hơn các nội dung của đồ án.

Tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, đồ án quy hoạch này không chỉ chú trọng kết nối Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen với trung tâm đô thị của TP Tây Ninh mà còn kết nối với các khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch khác như hồ Dầu Tiếng, tòa thánh Tây Ninh, khu căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Xa Mát, các tuyến du lịch đi Campuchia.

Phó Chủ tịch cũng giải thích, làm rõ thêm các nội dung mà thành viên Hội đồng đề cập như vấn đề liên quan đến bảo vệ lõi di sản, đất quốc phòng, đất rừng đặc dụng…


Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội đồng thẩm định.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh – Chủ tịch Hội đồng đánh giá: Đồ án đã bám sát nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, phần nội dung đánh giá hiện trạng còn chưa đảm bảo, thiếu đánh giá tác động trong phạm vi nghiên cứu. Đồng thời cần bổ sung đánh giá kết quả các dự án, đồ án đã thực hiện.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng yêu cầu đơn vị tư vấn nêu rõ tính khả thi và phân kỳ đầu tư, khả năng huy động các nguồn vốn cũng như phân kỳ các dự án ưu tiên đầu tư. Đồng thời, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án. Khi đồ án được hoàn thiện và bảo đảm chất lượng, Bộ Xây dựng sẽ chính thức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quý Anh – Đình Hà

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *