Thí điểm áp dụng công nghệ blockchain trong chăn nuôi tại Đồng Nai

Thí điểm áp dụng công nghệ blockchain trong chăn nuôi tại Đồng Nai

Dự kiến Đồng Nai là tỉnh đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm áp dụng công nghệ quản lý chăn nuôi theo công nghệ blockchain, góp phần quan trọng quản lý dịch bệnh ngày càng hiệu quả.

Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên áp dụng công nghệ blockchain vào chăn nuôi. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai vẫn “đứng vững”, dù đây là địa phương nằm trên các tuyến giao thông kết nối Bắc – Nam, vùng Tây Nguyên với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ giữa kiểm tra, kiểm soát, chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền đã góp phần quan trọng để Đồng Nai hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Dự kiến tới đây, tỉnh là địa phương đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm áp dụng công nghệ quản lý chăn nuôi theo công nghệ blockchain, góp phần quan trọng quản lý dịch bệnh ngày càng hiệu quả.

*Hạn chế tối đa nguồn lây 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, tổng đàn lợn của tỉnh hiện đứng đầu cả nước với 2,5 triệu con; trong đó, chăn nuôi theo quy mô trang trạng chiếm 75% tổng đàn, với 1.725 trang trại, còn lại chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình chiếm 25%.

Các công ty chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên 51% tổng đàn với 503 trang trại.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện nay không chỉ các doanh nghiệp chăn nuôi FDI, các trang trại quy mô lớn mà ngay cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

Đồng thời, tỉnh thành lập nhiều trạm chốt chặn, kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ để kiểm soát. Theo đó, ngoài 2 trạm kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 1A tại huyện Xuân Lộc, tuyến Quốc lộ 20 tại huyện Tân Phú, Đồng Nai vừa thành lập một số trạm tại huyện Thống Nhất, huyện Long Thành, Cẩm Mỹ để kiểm soát nguồn lợn vận chuyển từ các địa bàn giáp ranh vào Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Bạch Đức Lữu, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y vùng 6, đối với dịch tả châu Phi, thời gian ủ bệnh của lợn rất lâu do đó nguy cơ tiềm ẩn dịch lây lan rất cao.

Do đó, có những lúc tại thời điểm kiểm tra, lợn vẫn khỏe mạnh, nhiệt độ cơ thể vẫn bình thường, nhưng sau khi được vận chuyển vào vùng tiêu thụ mới phát hiện bệnh.

Ông Lữu cho rằng để hạn chế nguồn lây cho đàn lợn, người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần loại bỏ ngay thói quen cho lợn ăn thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn; áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên sát trùng chuồng trại và quanh khu vực nuôi bằng vôi bột; kiểm soát chặt chẽ các điểm vận chuyển, trung chuyển lợn.

Đặc biệt, khi phát hiện dịch, cần phải tiêu hủy ngay lợn bệnh, cấm không cho điều trị bởi lợn mắc dịch tả châu Phi không thể điều trị; phân vùng các khu vực dịch, nguy cơ dịch và vùng đệm để triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, cho rằng nguy cơ cao nhất đối với phòng chống lây lan dịch tả lợn châu Phi vào Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam là vấn đề vận chuyển lợn từ các tỉnh, thành phía Bắc vào. Để kiểm soát nguồn lây này, Đồng Nai đã thành lập và triển khai lực lượng trực, chốt chặn tại nhiều điểm trên các tuyến giao thông qua địa bàn để kiểm soát.

Hiện Đồng Nai cũng đang nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai để kiến nghị thành lập hệ thống thông tin truy xuất từ các phương tiện, nguồn lợn chở từ phía Bắc vào qua từng trạm kiểm dịch tại các tỉnh, thành trong suốt quá trình vận chuyển nhằm kiểm soát chặt hơn.

Đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, các trang trại chăn nuôi của đơn vị đều được áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây.

Đối với các trang trại do người dân nuôi gia công cho doanh nghiệp đều được các chuyên gia hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và tuân thủ các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Đại diện CP cũng khuyến cáo người dân cần áp dụng tốt các quy trình chăn nuôi được các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo. Không nên quá lo sợ trong việc tái đàn, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung sau này.

*Áp dụng công nghệ blockchain để quản lý 

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai hệ thống TE-FOOD, ứng dụng công nghệ blockchain để quản lý chăn nuôi. Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm áp dụng công nghệ quản lý chăn nuôi theo công nghệ blockchain.

Ông Huỳnh Thành Vinh cho biết, hiện nay Đồng Nai đang triển khai 3 dự án quản lý, truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi gồm: Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ động vật; chương trình quản lý trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm và chương trình xây dựng vùng chăn nuôi an toàn.

Theo ông Vinh, sắp tới Đồng Nai sẽ đưa vào thí điểm áp dụng các chương trình quản lý trên tại các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết đối với hệ thống quản lý TE-FOOD, cơ quan này sẽ áp dụng đối với những trang trại chăn nuôi từ 30 con lợn và 1.000 con gà trở lên. Hệ thống quản lý sẽ giúp giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc đối với thịt lợn, thịt gà.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai, khi ứng dụng công nghệ quản lý TE-FOOD đối với gia súc, gia cầm sẽ giúp thống kê chính xác về tổng đàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, qua đó giúp kiểm soát và quản lý tốt hơn tình hình dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê triển khai phần mềm hệ thống quản lý trong chăn nuôi TE-FOOD theo chuỗi, khối để sớm đưa vào sử dụng vì truy xuất nguồn gốc, quản lý chăn nuôi theo quy trình khoa học, an toàn dịch bệnh, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững./.

Nguồn: bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *