Thương mại Việt – Mỹ vượt 50 tỷ USD

Thương mại Việt – Mỹ vượt 50 tỷ USD

 Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Mỹ có mức tăng trưởng khá và đạt hơn 50 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng tốt

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng tốt

Cụ thể, hết tháng 6, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 45,58 tỷ USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 28,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ là dệt may. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt kim ngạch đạt 7,61 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 49,7% xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu điện thoại, máy vi tính, nông sản, giày dép, gỗ, thủy sản… từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, hết tháng 6, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 7,63 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 4,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Mỹ. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, đậu tương, phế liệu sắt thép…

Như vậy, 6 tháng đầu năm, thương mại Việt Nam và Mỹ đạt 53,21 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 38 tỷ USD.

Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và hai nước cùng cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.

Tính chung giai đoạn 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Cơ hội gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai bên rất rộng mở trong thời gian tới khi mới đây, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.

Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian qua, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Mỹ (TIFA), Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các Bộ ngành Việt Nam đã thúc đẩy hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA đạt được nhiều kết quả thực chất. Kể từ sau cuộc họp cấp Chủ tịch vào tháng 10/2019, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam đã phối hợp tích cực với phía Mỹ nỗ lực xử lý nhiều vấn đề, đem lại kết quả cụ thể, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại song phương.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Báo Công Thương

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *