Việt Nam – châu Mỹ: Nhiều triển vọng hợp tác thương mại

Việt Nam – châu Mỹ: Nhiều triển vọng hợp tác thương mại

Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia châu Mỹ đạt tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn 2011-2019. Trong đó, năm 2014 và 2019 có mức tăng trưởng vượt bậc với 24,17% và 23,63%. Điều này mở ra triển vọng hợp tác thương mại hai bên trong những năm tới.

Hiệu ứng từ hội nhập quốc tế

Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ nhận định, kết quả này có được là nhờ, giai đoạn 2011-2020, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đã tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia châu Mỹ. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu thông qua 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và 3 FTA đã được ký kết hoặc đang đàm phán. Có liên kết kinh tế với 60 nền kinh tế ở khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước hành viên G20.

Việt Nam – châu Mỹ: Nhiều triển vọng hợp tác thương mại
Kim ngạch thương mại Việt Nam – châu Mỹ đã đạt được bước tiến vượt bậc trong thời gian qua

Đặc biệt, Chính phủ chủ trương đa phương hóa quan hệ thương mại, tích cực khai thác các thị trường truyền thống song song với thị trường tiềm năng, nhằm thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các đối tác. Cùng với đó, với chính sách mở cửa kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại với các đối tác quan trọng, tạo điều kiện ưu đãi cho thương mại quốc tế. Tại khu vực châu Mỹ, có thể kể tới những thỏa thuận thương mại nổi bật như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – Chile và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba. Trong mỗi FTA được ký kết, Chính phủ đều chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động và các văn bản pháp luật để tối ưu hóa hiệu quả của các thỏa thuận này.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều đoàn làm việc cấp cao đã tiếp xúc trực tiếp với các đối tác để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại, cùng với đó giải quyết những vướng mắc còn phát sinh. Trong đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu; nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong nước; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tuyên truyền…Nhờ đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với thế giới nói chung và với các quốc gia khu vực châu Mỹ nói riêng đã đạt được những bước phát triển vượt bậc, mở ra triển vọng hợp tác trong giai đoạn tới.

Hoa Kỳ là đối tác quan trọng

Trong khu vực châu Mỹ, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch thương mại toàn khu vực và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có những bước phát triển rõ rệt. Theo đó, giá trị xuất nhập khẩu tăng 234,7%, bình quân 26,08%/năm. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn này tăng 233,8%, bình quân 25,98%/năm; nhập khẩu tăng 238,2%, bình quân 26,5%.

Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết vào năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trước kia, xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày. Nhưng giai đoạn 2011-2020, nhiều nhóm hàng đã nổi lên chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại song phương như: Nông-lâm-thủy sản và nhóm các mặt hàng công nghệ điện tử kỹ thuật cao như: Máy vi tính, điện thoại, linh kiện điển tử, máy móc phục tùng.

Bên cạnh Hoa Kỳ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada cũng đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2020, trở thành đối tác toàn diện năm 2017 và là đối tác thương mại tự do theo hiệp định CPTPP năm 2018-2019. Điều đó đã thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Canada tăng gấp 3,7 lần, từ 1,3 tỷ USD vào năm 2011 lên gần 4,8 tỷ USD năm 2019. Việt Nam là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Canada, đứng thứ 4 trong số các nước châu Á và thứ nhất trong khu vực ASEAN. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2019 được đánh giá là động lực cho sự phát triển của kim ngạch thương mại hai chiều trong giai đoạn tới.

Bên cạnh lĩnh vực thương mại, Việt Nam – châu Mỹ cũng đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó đáng kể nhất là trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng. Điển hình, một số dự án hợp tác công nghiệp nổi bật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 2011-2020 là: Chuỗi dự án khí – điện Sơn Mỹ có sự tham gia của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ); Hợp tác với Tập đoàn Alaska trong lĩnh vực khí hóa lỏng LNG; Hợp tác với ExxonMobil và Tập đoàn Murphy Oil khai thác dầu khí hay hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2…

Theo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ: Cùng với triển vọng hợp tác thương mại, doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó đáng kể nhất là hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng.

Nguồn: Báo Công thương

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *