Vĩnh Long: Thiếu trách nhiệm trong quản lý hoạt động xây dựng tại sự cố sập tường nhà xưởng

Vĩnh Long: Thiếu trách nhiệm trong quản lý hoạt động xây dựng tại sự cố sập tường nhà xưởng

(Xây dựng) – Theo kết quả giám định nguyên nhân của tổ Điều tra do Bộ Xây dựng thành lập đã chỉ rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, trong đó Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long phải chịu trách nhiệm chính tại sự cố xảy ra ngày 15/3/2019 tại công trình xây dựng nhà xưởng của Cty TNHH Bohsing trong Khu công nghiệp Hoà Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long khiến cho 6 người chết và 2 người bị thương.

Bức tường có chiều cao, diện tích lớn và đứng độc lập với hệ khung thép của công trình.

Cụ thể, tại thông báo của Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ rõ: Nguyên nhân chính gây ra sự cố là do kết cấu tường đầu hồi nhà xưởng tại trục A3 được tính toán, thiết kế với sơ đồ kết cấu không hợp lý (có chiều cao, diện tích lớn và đứng độc lập với hệ khung thép của công trình) và không đảm bảo khả năng chịu lực, cụ thể như: Tường có độ mảnh theo phương ngoài mặt phẳng vượt quá giới hạn cho phép (độ mảnh của hệ khung giằng bê tông cốt thép theo phương ngoài mặt phẳng là λ= 346 lớn hơn nhiều so với giới hạn cho phép là λgh= 120), tường bị mất ổn định dưới tác dụng của các tải trọng tác động trong quá trình thi công xây dựng;

Kết cấu tường không đảm bảo khả năng chịu lực khi tính toán với tải trọng tác động trong quá trình thi công xây dựng như: Trọng lượng bản thân; tải trọng do độ lệch tâm, độ lệch tâm ngẫu nhiên, dung sai trong thi công xây dựng và tải trọng gió.

Trường hợp không kể đến các yếu tố bất lợi khác trong quá trình thi công xây dựng thì với tải trọng gió cấp 5 (8,2m/s) – bằng 5% áp lực gió lớn nhất lấy theo phân vùng áp lực gió tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long của QCVN 02:2009/BXD (là 83 daN/m2) – thì tường không đảm bảo khả năng chịu lực.

Chất lượng bê tông cột không đồng đều.

Ngoài ra, quá trình thi công xây dựng công trình cũng gây một số tác động bất lợi đến kết cấu tường như: Tác động do quá trình thi công đổ, đầm bê tông cột, giằng, xây và trát tường; rung động do xe chở vật liệu xây dựng và lu lèn khi thi công sân, đường quanh nhà xưởng; chất lượng bê tông cột không đồng đều; cốt thép chịu lực của cột khung ở một số vị trí không đúng thiết kế; một số vị trí tường xây thiếu vữa chèn mạch dọc.

Tổ Điều tra sự cố cũng phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan dẫn tới sự cố sập đổ tường, gây thương vong cho nhiều người. Trong đó, vai trò của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long là không nhỏ.

Cụ thể, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã không thực hiện đầy đủ tránh nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong Khu công nghiệp do mình quản lý theo Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 01/02/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long: Không kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi quá trình triển khai công trình xây dựng và kiến nghị xử lý đối với các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thực hiện việc thẩm định thiết kế cơ sở nhưng không phát hiện các vi phạm về thiết kế, không đảm bảo an toàn cho công trình;

Thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng công trình khi chưa đủ các căn cứ theo quy định tại Điều 92, Luật Xây dựng năm 2014: Thiết kế xây dựng công trình triển khai sau thiết kế cơ sở chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82, Luật Xây dựng năm 2014.

Tổ Điều tra sự cố cũng đưa ra những biện pháp xử lý, khắc phục sự cố cho UBND tỉnh Vĩnh Long và Cty TNHH Bohsing.

Công trình xây dựng nhà xưởng của Cty TNHH Bohsing được khởi công xây dựng từ tháng 10/2018, gồm các hạng mục nhà xưởng 1, 2, 3, nhà ăn, nhà xe và nhà bảo vệ. Khi xảy ra sự cố, công trình đang thi công phần kết cấu thân và tường bao che.

Trước đó, vào sáng ngày 15/3/2019, khi có 10 công nhân đang tiến hành tô (trát) mặt ngoài bức tường đầu hồi của nhà xưởng số 3 thì bức tường bất ngờ bị sập đổ, làm 6 người chết, 2 người bị thương.

Nhà xưởng này có diện tích xây dựng khoảng 4.844m2 (62,5×77,5m), thuộc loại công trình công nghiệp nhẹ, cấp III. Kết cấu móng gồm các đài móng bê tông cốt thép (BTCT), mỗi đài sử dụng 02 cọc bê tông cốt thép ly tâm, hạ bằng phương pháp ép tĩnh; kết cấu thân nhà xưởng là dạng kết cấu nhà công nghiệp 1 tầng, sử dụng khung thép tiền chế, lắp đặt tại hiện trường, mái lợp tôn, tường bao che bên ngoài xây gạch rỗng dày 0,2m có hệ khung giằng bê tông cốt thép.

Nguồn: Mai Thanh – Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *