Vượt “bão” Covid-19, hàng container qua cảng biển tăng ấn tượng

Vượt “bão” Covid-19, hàng container qua cảng biển tăng ấn tượng

Sản lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Gần 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động hàng hải vẫn dai dẳng, song, cảng biển Việt Nam vẫn hút được lượng hàng hóa thông qua lớn

Container nhập và xuất đồng loạt tăng trưởng hai con số

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tuy nhiên tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 296 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

“Tăng mạnh nhất là hàng container, khi khối lượng thông qua cảng đạt hơn 10 triệu Teus, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng hóa container xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng hai con số với mức tăng lần lượt là 12% và 25%. Đây cũng là mức tăng cao kể từ khi hoạt động hàng hải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19”, vị này thông tin.

Cũng theo Cục Hàng hải VN, những tháng đầu năm, một số khu vực cảng biển được đánh giá có sản lượng hàng hóa thông qua cao nhất bao gồm: khu vực Thái Bình tăng 105%, khu vực Đồng Tháp tăng 58%, khu vực Kiên Giang tăng 40%.

Những khu vực cảng biển có sản lượng hàng container cao nhất, gồm: khu vực Quảng Nam tăng 106%, khu vực Mỹ Tho tăng 71%.

Các khu vực có hàng container xuất nhập khẩu tăng mạnh, gồm: khu vực TP Hồ Chí Minh tăng hơn 16%, khu vực Vũng Tàu tăng 33%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 20%.

Siết chặt phòng dịch, duy trì “dòng chảy” hàng hóa bằng đường biển

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN, để giữ được nhịp tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan chức năng, Cục Hàng hải liên tục có văn bản đốc thúc các doanh nghiệp cảng và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh.

Trong đó, các cảng vụ hàng hải (CVHH) được yêu cầu phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển kiểm soát, không để thuyền viên đi bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ bờ lên tàu. Trường hợp thực sự cần thiết, thuyền viên đi bờ phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.

“Đồng thời, chúng tôi cũng kiểm soát chặt chẽ hành khách, thuyền viên tại các khu vực cảng biển, cửa khẩu biên giới, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới”, ông Giang thông tin.

Các biện pháp phòng dịch được triển khai nghiêm ngặt tại khu vực cảng biển với mục tiêu duy trì xuyên suốt chuỗi cung ứng hàng hóa ngay cả trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất

“Để đảm bảo công tác đón tàu, thuyền cập cảng làm hàng không bị gián đoạn, duy trì “dòng chảy” hàng hóa xuyên suốt, các tổ chức hoa tiêu hàng hải cũng được yêu cầu xây dựng phương án trong trường hợp đơn vị có cán bộ, hoa tiêu bị nhiễm hoặc phải cách ly do dịch; Tăng cường phối hợp giữa các hoa tiêu trong khu vực trong trường hợp khẩn cấp; Chủ động làm việc với cơ quan chức năng để hoa tiêu được đi làm nhiệm vụ dẫn tàu khi tỉnh/thành phố thực hiện cách ly, phong tỏa”, ông Giang nói thêm.

Về phía cảng vụ, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc CVHH Hải Phòng – đơn vị quản lý khu vực cảng biển luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hóa hai con số trong những tháng đầu năm cho biết, thời điểm hiện tại, tàu thuyền trước khi cập cầu cảng các khu bến ở Hải Phòng đều phải trải qua quá trình kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại khu neo Hòn Dáu.

“Theo chỉ đạo của Cục Hàng hải VN, Cảng vụ Hải Phòng nói riêng và các CVHH nói chung đều yêu cầu thuyền viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên tàu, quan sát, cảnh giới hoặc thực hiện nghiệp vụ an toàn, an ninh của tàu phải tránh những thời điểm công nhân lên làm hàng, hạn chế tối đa tiếp xúc”, ông Vũ nói.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng phòng Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải VN (đơn vị sở hữu 15 cảng biển trên cả nước) cũng cho biết, để đảm bảo vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa cho thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp cảng của VIMC thực hiện đồng loạt các giải pháp: trang bị đo nhiệt độ, quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay cho công nhân; giới hạn số ghế ngồi nhằm đảm bảo giãn cách phù hợp cho khách làm thủ tục; Đội ngũ xuống tàu làm nhiệm vụ, tác nghiệp bốc dỡ hàng hóa luôn giữ ở mức tối thiểu.

“Nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp, 4 tháng đầu năm, cảng biển VIMC đã đảm bảo an toàn cho hơn 30 triệu tấn hàng hóa thông qua với mức tăng trưởng gần 13%”, vị này thông tin.

Theo Vitranschart

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *