Doanh nghiệp gỗ trên “cao tốc” EVFTA

Doanh nghiệp gỗ trên “cao tốc” EVFTA

(VLR) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nói chung và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói riêng. EVFTA mang lại rất nhiều cơ hội về lâu dài cho ngành gỗ Việt. Tuy nhiên, để bứt phá từ Hiệp định này, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều vấn đề trong việc đẩy mạnh vị thế của ngành này.

Hưởng lợi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8 được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU.

Việt Nam hiện đang xuất khẩu tổng số 253 mặt hàng gỗ vào EU. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang các nước EU đạt 864,6 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 8,1% trong tổng giá trị xuất khẩu 10,6 tỷ USD. Khoảng 88% tổng kim ngạch xuất vào EU là đồ gỗ, phần còn lại là nhóm gỗ nguyên liệu (HS 44).

Tuy nhiên, trước khi EVFTA có hiệu lực, 117 mặt hàng gỗ (tương đương với 46,2%) đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0%. Dù chỉ chiếm dưới 50% trong tổng số các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU hàng năm nhưng kim ngạch nhóm này đạt khoảng 500 triệu USD, tương đương gần 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường 27 quốc gia thuộc khối EU (trừ Anh). Vì vậy, các mức thuế ưu đãi mới sẽ không thể tạo được các động lực mới trong việc nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào EU trong tương lai.

Theo số liệu của Bộ phận kinh doanh xuất khẩu Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương cho biết: “Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thị trường EU chiếm khoảng 30% sản lượng xuất khẩu trong 1 năm của công ty. Sau khi Hiệp định có hiệu lực so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 8 đến tháng 11 thì sản lượng xuất khẩu giảm gần 26%. Nguyên nhân có thể do bùng phát dịch kéo dài ở các nước châu Âu, thứ hai là vẫn chưa thể xác định được tác động của Hiệp định đối với công ty trong một thời gian ngắn khi Hiệp định chỉ mới có hiệu lực từ tháng 8/2020”.

Nếu chỉ xét trên phương diện thuế, Hiệp định EVFTA sẽ không tác động quá lớn với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh thuế, EVFTA còn bao hàm các lĩnh vực khác như phát triển cơ sở hạ tầng, xóa bỏ rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng đầu tư công, sở hữu trí tuệ… Thực thi Hiệp định có thể đem lại những thay đổi lớn về các lĩnh vực này trong tương lai. Đồng thời, Hiệp định cũng có tiềm năng trong việc quảng bá, thúc đẩy mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Hiện tại khi EVFTA có hiệu lực, ngành gỗ được hưởng lợi khi thuế xuất vào EU giảm về 0% và thuế nhập khẩu máy móc thiết bị của EU vào Việt Nam cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, những thuận lợi vẫn chưa rõ nét, cho dù thuế quan có giảm về 0%, vì các loại thuế suất công ty đang phải chịu cũng gần 0%.

Ngoài ra, Công ty cũng cho biết, hiện doanh nghiệp đã chủ động được 70% – 80% nguyên liệu trong nước, nên việc nhập gỗ nguyên liệu từ thị trường châu Âu cũng sẽ hạn chế dù thuế nhập khẩu giảm.

Doanh nghiệp chịu nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa

Khi Hiệp định có hiệu lực, châu Âu sẽ yêu cầu các mặt hàng gỗ phải bảo đảm nguồn gốc (bao gồm cả gỗ nhập khẩu và gỗ trong nước). Theo chia sẻ của Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương: “Hiện nay, trên thế giới để xác định nguồn gốc xuất xứ gỗ người ta dựa vào FSC và Minh Dương có chứng nhận FSC. Thực tế, chúng tôi mua gỗ hợp pháp 100%, gỗ nhập từ Hoa Kỳ”.

Cũng theo Công ty, để có được chứng nhận này là một việc không phải dễ dàng do hiện nay các quy định thủ tục liên quan khá nhiều, cứng nhắc và rườm rà đòi hỏi phải xác minh từ khâu người trồng, nhà máy chế biến, xử lý gỗ, các trung gian phân phối gỗ đến nhà máy sản xuất nội thất, đối tác của nhà máy và cho đến các khách hàng bán sản phẩm hoàn thiện cũng cần phải được chứng nhận FSC.

Thực tế, để kiểm soát chuỗi quy trình trên là một khó khăn cho các công ty sản xuất nội thất vì công ty cũng chỉ mua trực tiếp gỗ từ nhà cung cấp, bên phân phối nên khó truy xuất được nguồn gốc gỗ từ gốc đến ngọn và việc chứng minh FSC cho toàn bộ các đối tác của nhà máy sẽ cần một nỗ lực lớn từ các bên.

Một vấn đề khác là khi sử dụng gỗ đã được chứng minh FSC điều này có nghĩa giá các sản phẩm sẽ bị đẩy lên mức cao hơn rất nhiều và sẽ khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá và khách hàng sẽ khó và không thể tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường.

Doanh nghiệp thay đổi để bứt phá

Nếu chỉ xét trên phương diện thuế, Hiệp định EVFTA sẽ không tác động quá lớn với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh thuế, EVFTA còn bao hàm các lĩnh vực khác như phát triển cơ sở hạ tầng, xóa bỏ rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng đầu tư công, sở hữu trí tuệ… Thực thi Hiệp định có thể đem lại những thay đổi lớn về các lĩnh vực này trong tương lai. Đồng thời, Hiệp định cũng có tiềm năng trong việc quảng bá, thúc đẩy mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gỗ đã và đang tích cực chủ động, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu,… Đối với Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương, trước mắt công ty sẽ tập trung khắc phục các hậu quả do dịch COVID-19 bùng phát để tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp từ châu Âu hiện có. Về lâu dài, Minh Dương sẽ tiếp tục duy trì cũng như củng cố năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao, cải tiến năng lực sản xuất, quản lý và kinh doanh. Tìm kiếm thêm các nguồn cung và nhà cung cấp nguyên vật liệu mới đạt chuẩn để mở rộng hợp tác và tìm kiếm khách hàng mới từ thị trường này.

Ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, gần đây các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh một bước tiến mới là bán hàng trên các trang thương mại điện tử toàn cầu. Sự đứt gãy trong các chuỗi cung ứng xuất khẩu do các hạn chế về cách ly xã hội trong thời gian qua cho thấy, ngành gỗ Việt cần đẩy nhanh chuyển đổi phương thức bán hàng. Đây là bước đi đúng đắn và phù hợp với thời đại.

Trong tình hình bất ổn của thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh, diễn biến khó lường, EVFTA sẽ là nền tảng vững chắc, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, hướng tới phát triển bền vững, giúp Việt Nam hoàn thiện khung luật pháp, thể chế, tạo hành lang thương mại hai chiều, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tích lũy nội lực, tăng sức cạnh tranh và củng cố vị thế ngành gỗ Việt trên thị trường thế giới.

Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần quan tâm, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiêp gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, nhất là có kế hoạch cụ thể triển khai các khâu thiết kế sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu các sản phẩm gỗ Việt Nam.

Nguồn: VLR

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *