Giá dầu châu Á tăng khoảng 2% trong phiên cuối tuần 4/11

Giá dầu châu Á tăng khoảng 2% trong phiên cuối tuần 4/11

Giá dầu châu Á tăng khi đồng USD giảm và rủi ro nguồn cung vẫn còn. Tuy nhiên, lo ngại suy thoái kinh tế và số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng tại Trung Quốc đã phần nào hạn chế đà tăng.
Giá dầu châu Á tăng khoảng 2% trong phiên cuối tuần 4/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent giao sau tăng 1,84 USD (tương đương 1,9%) lên 96,51 USD/thùng lúc 14 giờ 40 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,94 USD (2,2%) lên 90,11 USD/thùng

Hai loại dầu trên đang hướng tới mức tăng hàng tuần lần lượt là 0,5% và 2%.
Trong khi những lo ngại về nhu cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường, nguồn cung năng lượng dự kiến sẽ vẫn eo hẹp với việc châu Âu sắp bắt đầu cấm vận dầu của Nga cũng như sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ.
Ông Warren Patterson, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa của ngân hàng ING, cho biết triển vọng vĩ mô ngày càng ảm đạm và thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt một số sóng gió lớn trong thời gian tới. Nếu không có việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) cắt giảm nguồn cung vào tháng 11, các hợp đồng dầu có thể đã giao dịch ở mức thấp hơn nhiều.
Trong khi đó, lo ngại về một cuộc suy thoái ở Mỹ – nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết còn “rất sớm” để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng cảnh báo rằng kinh tế Anh có thể đã bước vào suy thoái và không tăng trưởng trong hai năm nữa.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cũng chỉ ra những dấu hiệu về nhu cầu yếu hơn ở châu Âu và Mỹ với lượng người lái xe ít hơn – điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm chưng cất.
Càng nhấn mạnh những lo ngại về nhu cầu là việc Saudi Arabia đã hạ giá bán chính thức (OSP) tháng 12/2022 cho loại dầu thô Arab Light hàng đầu của họ sang châu Á. Việc cắt giảm phù hợp với dự báo của các nguồn tin thương mại dựa trên triển vọng nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn. Quốc gia tỷ dân này vẫn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới hôm 3/11 lên mức cao nhất kể từ tháng Tám./. 

H.Thủy (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *