Tác động của các cuộc chiến thương mại đối với Việt Nam: Nhìn từ số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Hải quan

Tác động của các cuộc chiến thương mại đối với Việt Nam: Nhìn từ số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Hải quan

(HQ Online) – Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc; Nhật Bản- Hàn Quốc… đang có những tác động nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhìn từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan những tháng qua.

tac dong cua cac cuoc chien thuong mai doi voi viet nam nhin tu so lieu thong ke xuat nhap khau cua hai quan

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc so với bình quân cả nước và các thị trường chính hết tháng 7/2019. Biểu đồ: T.Bình

Bất thường từ nhóm hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu

Kể từ khi xuất hiện và có mặt trong rổ thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của Tổng cục Hải quan năm 2010 sau khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh đi vào hoạt động và có các lô hàng xuất khẩu ổn định, điện thoại và linh kiện nhanh chóng trở thành nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Và chỉ qua khoảng 10 năm góp mặt, điện thoại và linh kiện đã vững vàng ở ngôi vị số 1 về xuất khẩu của cả nước. Không những thế, theo sát dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hàng năm, nhóm hàng chủ lực này luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao 2 con số.

Nhưng bất thường những tháng đầu năm 2019 khi điện thoại và linh kiện xuất khẩu có sự tăng trưởng rất chật vật so với thường lệ, dù vẫn giữ được ngôi vị là nhóm hàng lớn nhất.

Cụ thể, liên tiếp những tháng đầu năm nhóm hàng này tăng trưởng âm. Đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới đạt hơn 16 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ 2018. Từ tháng 5 trở đi, ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam mới có được tăng trưởng dương dù con số khá khiêm tốn là 2,2%. Hết tháng 7 vừa qua, kim ngạch nhóm hàng này đạt gần 27,5 tỷ USD, tăng 3,8%.

Nhìn những con số trên có thể thấy đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nhóm hàng điện thoại và linh kiện trong nhiều năm qua. Đơn cử, hết tháng 7/2018, tăng trưởng 17,4%; cùng kỳ các năm trước đó lần lượt là 14,8% (năm 2017), 14,6% (năm 2016), 28,5% (năm 2015), 15,5% (năm 2014)…

Chưa có những phân tích, hay thông tin cụ thể nào về sự chững lại đột ngột của tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, một thông tin có rất nhiều sự liên quan bắt nguồn từ căng thẳng thương mại Hàn Quốc- Nhật Bản dấy lên từ cuối năm 2018.

Để đáp trả lẫn nhau, hai bên đã có nhiều hành động nhằm hạn chế hoạt động thương mại song phương. Đáng chú ý trong đó là việc Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc. Cụ thể, các nguyên liệu bị hạn chế là nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (high-purity hydrogen fluoride (HF)) được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn.

Động thái trên của Nhật Bản rõ ràng gây nhiều bất lợi với các nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới đến từ Hàn Quốc, nhất là lĩnh vực điện thoại, máy vi tính, ti vi… với các tên tuổi lớn như Samsung, LG…

Điều này tương đồng với dữ liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra.

Ngoài sự chững lại về kim ngạch xuất khẩu như đề cập ở trên, 7 tháng đầu năm, mặt hàng điện thoại và linh kiện nhập khẩu chỉ đạt 7,25 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi một lượng kim ngạch đáng kể trong đó được dùng để nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất điện thoại xuất khẩu của Tập đoàn Samsung. Linh kiện đầu vào bị sụt giảm nên hoạt động sản xuất xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực này bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.

tac dong cua cac cuoc chien thuong mai doi voi viet nam nhin tu so lieu thong ke xuat nhap khau cua hai quan

Cơ cấu thị phần các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam hết tháng 7/2019. Biểu đồ: T.Bình

Hàng Trung Quốc “đổ bộ”

Trong cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, thu hút nhiều sự chú ý nhất là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Những đòn “ăn miếng trả miếng” liên tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tác động đến thị trường hai nước này mà ảnh hưởng đến thương mại chung của toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Nhiều dự báo đã được các nhà quản lý, giới chuyên gia đưa ra từ sớm khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc được khơi mào là việc Trung Quốc vốn được xem là “công xưởng của thế giới” sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác để tránh những khó khăn, rào cản từ thị trường Mỹ.

Trong khi nước ta có điều kiện tự nhiên giáp Trung Quốc với nhiều thuận lợi về giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không sẽ khó tránh được sự “đổ bộ” của hàng hóa Trung Quốc.

Thực tế, dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan những tháng đầu năm thể hiện khá rõ điều đó. Bởi, dù tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước và từ nhiều thị trường quan trọng đạt thấp, nhưng riêng thị trường Trung Quốc đang ở mức cao 2 con số. Cụ thể, hết tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt tới 42,5 tỷ USD, tăng tới 6,6 tỷ USD (tương đương 18,4%) so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 29,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc gấp hơn 2 lần tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước (cả nước tăng 8,6%).

Nhiều nhóm hàng lớn nhập khẩu từ Trung Quốc có sự tăng trưởng “chóng mặt”. Đơn cử như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 6,91 tỷ USD, tăng mạnh tới 65,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 8,04 tỷ USD, tăng 26,7%; nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày đạt 6,66 tỷ USD, tăng 10,8%; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo đạt 2,12 tỷ USD tăng 18,4%…

Rõ ràng với một nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn và hoạt động XNK đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt nhà máy gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu lớn của các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam chịu nhiều tác động từ các cuộc chiến thương mại hiện nay. Những thông tin nổi bật từ hoạt động XNK của Tổng cục Hải quan được cập nhật ở trên phần nào cho thấy điều đó.

Tuy nhiên, tác động từ các cuộc chiến thương mại không chỉ có yếu tố bất lợi, bởi nó cũng mang đến không ít cơ hội cho nước ta trong việc đón nhận sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư và tiếp cận thị trường. Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp phải có những biện pháp phòng vệ chính đáng, kịp thời, hiệu quả để hạn chế tối đa rủi ro, trong đó có nguy cơ hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam, đồng thời tận dụng tốt nhưng thời cơ hiện nay để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp và mặt hàng thuần Việt.

Nguồn: Thái Bình – Báo Hải Quan

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *