Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng; thiếu hụt lao động… là những áp lực rất lớn của các doanh nghiệp TP. HCM trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh. Mong muốn được chính quyền thành phố lắng nghe, tháo gỡ chính là nguyện vọng của các doanh nghiệp.
Công nhân Công ty Đại Dũng, huyện Bình Chánh trong giờ sản xuất

Công nhân Công ty Đại Dũng, huyện Bình Chánh trong giờ sản xuất

Sở Công Thương TP vừa có buổi gặp gỡ đại diện một số các hội ngành nghề trên địa bàn để lắng nghe tình hình thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như ghi nhận kiến nghị, đề xuất của các hội nhằm tăng cường giúp đỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Lĩnh vực dệt may được đánh giá là ngành có nhiều tín hiệu khởi sắc sau dịch, khi công nhân đã hoạt động trở lại 100%, đa số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng đến hết năm 2022. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển (logistics) tăng cao, giá nguyên phụ liệu thô bất ổn nên doanh nghiệp trong ngành gặp không ít khó khăn. Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Phú Xuân cho biết: Đa số doanh nghiệp nhập nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu nhưng hiện giá sợi cotton tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%.

Do đó, để sản phẩm đầu ra có giá ổn định cạnh tranh với các nước, tạo lợi thế cho những đơn hàng tiếp theo là áp lực rất lớn với doanh nghiệp. “Thị trường tiêu thụ thời trang nội địa Việt Nam đang được định giá 5 tỷ USD là cuộc chiến khốc liệt cho các thương hiệu nội địa. Mong thành phố Hồ Chí Minh cùng Hội và các doanh nghiệp thành lập Trung tâm thời trang để hỗ trợ doanh nghiệp định vị thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng; trước mắt là đối với thị trường tiêu dùng trong nước, mang tới những sản phẩm có tính công nghệ cao, thời trang có thể đối trọng được với các thương hiệu toàn cầu…” – bà Xuân đề xuất.

Hầu hết hiệp hội ngành hàng đều lo ngại giá xăng, dầu liên tục tăng, “uy hiếp” tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, giá nguyên phụ liệu, logistics… có nguy cơ sẽ tăng mạnh, dẫn đến một số ngành hàng như dệt may – da giày chuyên gia công xuất khẩu sẽ thêm gánh nặng. Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. HCM Nguyễn Văn Khánh thông tin: Các doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng đến hết tháng 7 nhưng rất lo lắng vì chi phí đang tăng cao. Giá xăng, logistics, đầu vào nguyên phụ liệu tăng, lại thêm phí cảng biển. “Rất mong ngành chức năng và các ngân hàng có gói hỗ trợ nào cho riêng doanh nghiệp những ngành thâm dụng lao động như da giày, mua máy móc thiết bị sản xuất, để giảm lao động vì hiện doanh nghiệp rất khó tuyển lao động” – ông Khánh bày tỏ.

Là ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu tăng ổn định với mức tăng bình quân 15%/năm trong hai năm qua, nhưng Phó Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) Bùi Hữu Thêm nhìn nhận, vẫn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, chi phí xuất khẩu vẫn ở mức cao, đặc biệt đi Mỹ và châu Âu với mỗi container đi Mỹ (bờ Đông) phải trả trên dưới 22.000 USD, tăng gần 10 lần so với lúc ổn định. “Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ngành chế biến gỗ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động lành nghề. Bên cạnh đó, khi xăng dầu tăng giá đẩy nguyên liệu đầu vào giá cao nhưng thành phẩm lại không được tăng giá…”, ông Thêm nêu ý kiến.

“Bất cập lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp làm công nghiệp trên địa bàn thành phố là giá đất” – Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP. HCM Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận. Hiện, giá đất công nghiệp thành phố cập nhật đến thời điểm này hơn 200 USD/m2. Khi các doanh nghiệp phát triển lớn hơn một chút lại đi khỏi TP. HCM. Ông Anh dẫn chứng, các doanh nghiệp trong hiệp hội như Công ty nhựa Duy Tân chỉ còn 20% doanh số nằm ở thành phố Hồ Chí Minh, 80% doanh số ra Long An, Bình Dương; hay Công ty Casumina doanh số 5.000 tỷ đồng, chỉ còn 1.000 tỷ đồng ở TP. HCM, 4.000 tỷ đồng còn lại nằm ở các địa phương khác. “Làm thế nào để quỹ đất công nghiệp thành phố dồi dào, từ đó thu hút doanh nghiệp mới đầu tư.

Do đó, đề nghị TP. HCM có chủ trương đột phá về quỹ đất công nghiệp”-ông Quốc Anh nói. Ở lĩnh vực logistics, các tổ chức hội cho rằng, quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu những khu logistics tầm cỡ. Logistics là điểm yếu của Việt Nam, đã làm nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến tăng chi phí. Việt Nam là một nước nông nghiệp, do đó cần các kho lạnh… Các hội ngành nghề hiến kế thành phố tập trung phát triển đề án logistics trên địa bàn vì đây là mạch máu của nền kinh tế, chú ý đầu tư các kho, bãi phục vụ xuất khẩu nông sản, qua đó gia tăng giá trị nông sản Việt; cần có tích hợp và cung cấp thông tin về chính sách, thị trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, năm 2002, ngành Công thương thành phố sẽ thực hiện chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đồng thời, Sở tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết vùng…

“Năm 2022, TP. HCM vẫn kỳ vọng lớn vào sự hồi phục và phát triển. Theo đó, thành phố sẽ tập trung triển khai các nội dung chính như kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, phối hợp triển khai hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến, kích cầu…”, Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

Báo Nhân dân

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *