Tìm giải pháp đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại

Tìm giải pháp đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại

Ngày 25/10, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại” theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh tham luận tại Hội thảo. 

Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế của thành phố trong phát triển logistics. Đây là thành phố duy nhất của khu vực phía Bắc có đầy đủ 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa và đường hàng không.

Hạ tầng giao thông của Hải Phòng đồng bộ, hiện đại, trong đó phải kể đến cảng nước sâu Lạch Huyện, hệ thống cầu, đường kết nối đồng bộ Hải Phòng với các tỉnh, thành phố lân cận. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Vào năm 2020, Hải Phòng đã vươn lên là 1 trong 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước, đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến hết năm 2020, đã có 12 khu công nghiệp Hải Phòng đi vào hoạt động hiệu quả.

Tuy có nhiều thuận lợi trong phát triển logistics, song dịch vụ này tại Hải Phòng vẫn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Trần Quang Tuấn, trong Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 xác định một trong những mục tiêu là Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.

Để góp phần triển khai các nghị quyết trên, ông Trần Quang Tuấn đề nghị các nhà khoa học Trung ương và địa phương trao đổi ý kiến, đề xuất liên quan đến cơ chế để huy động mọi nguồn lực, tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống hạ tầng giao thông logistics (cầu, cảng, bến bãi) với các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển nền tảng số, kết nối với mạng logistics toàn cầu. Cùng với đó, các đại biểu đề xuất ý tưởng gợi mở để xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị cảng, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại.

Tại hội thảo, các đại biểu tham luận về nhiều nội dung, như: Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh với tham luận “Đưa Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại”; ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng chia sẻ nội dung “Đầu tư hạ tầng logistics- chìa khóa thành công tại Hải Phòng”; đại diện Cảng Hải Phòng, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Phòng trao đổi các nội dung liên quan đến phát triển thực tế của dịch vụ logistics, cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại phục vụ lĩnh vực này.

Chú thích ảnh
 Tiến sĩ Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Thông qua các tham luận, hội thảo cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ phát triển ngành logistics tại Hải Phòng, đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *