Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam – Đức và hợp tác đầu tư, thương mại

Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam – Đức và hợp tác đầu tư, thương mại

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp Đức ủng hộ mạnh mẽ để Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) nhằm tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư lâu dài, ổn định…

untitled-3471.png
Hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Scholz. Ảnh: VGP

Đánh dấu giai đoạn phát triển mới

Phát biểu trước báo chí sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Scholz là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, trong đó tạo xung lực và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên.

Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz lần này cũng đánh dấu các nỗ lực mở rộng hợp tác hai nước vì phát triển bền vững, cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Tại cuộc hội đàm, hai thủ tướng đã rà soát mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức, và nhận thấy sự phát triển tích cực bất kể khó khăn từ đại dịch COVID-19 cũng như biến động kinh tế, chính trị trên thế giới.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại khu vực Đông Nam Á. Trước và trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Scholz, Việt Nam và Đức đã hoàn tất các thủ tục và ký kết ba văn kiện hợp tác về quốc phòng, chuyển đổi năng lượng và lao động, đào tạo nghề.

Điều này cho thấy quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả“, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với phóng viên.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, hai bên đã nhất trí phương hướng thúc đẩy hợp tác hai nước sắp tới nhằm đẩy mạnh tin cậy chính trị, qua đó đóng góp cho việc phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đã trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề kinh tế. Cuộc chiến tại Ukraine hiện nay là một trong những biểu hiện phản ánh khó khăn mà kinh tế toàn cầu đối mặt. Chính vì vậy, cần thiết phải mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng các nguồn sản xuất nguyên liệu…

Như vậy, Việt Nam là đối tác quan trọng đối với chúng tôi, và đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp của chúng tôi. Tôi đang muốn nói tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, có hiệu lực từ năm 2020. Đó là cơ sở rất quan trọng cho quan hệ giữa chúng ta”, Thủ tướng Scholz nói.

Theo nhà lãnh đạo Đức, để phát huy nền tảng sẵn có, hiện nay Đức xác định ba điểm quan trọng. Thứ nhất, doanh nghiệp Đức cần điều kiện an toàn khi đầu tư. Các thỏa thuận giữa hai bên cần được thực thi hiệu quả.

Thứ hai là hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực đào tạo nghề, nâng cao năng lực chuyên môn. “Chúng ta biết rằng nhiều người Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm tương lai nghề nghiệp ở Đức. Thật vui mừng khi cơ quan phụ trách vấn đề lao động của Đức đã thỏa thuận được với cơ quan hữu quan của Việt Nam về vấn đề này”, ông nói.

Thứ ba, theo Thủ tướng Scholz, một trọng tâm trong các thảo luận giữa hai bên là vấn đề môi trường và chuyển đổi năng lượng. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu, và Đức rất nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải.

Cũng trong chiều 13/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz một số phương hướng, biện pháp lớn nhằm đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển hiệu quả, thực chất, đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới tương xứng với mong muốn và tiềm năng của hai bên.

Đầu tư – thương mại tiếp tục là trụ cột

Tối ngày 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz đã tham dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam và Đức.

ab1.jpg
Hai Thủ tướng trao đổi tại hội nghị – Ảnh: VGP

Sau gần 50 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam và Đức đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với những tiến triển và dấu ấn nổi bật ở nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục… Đức là một trong những nước châu Âu viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam (khoảng 2 tỷ USD từ 1990).

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Gần đây, việc thực thi Hiệp định EVFTA đã mở rộng thị trường cho hàng hóa hai nước, nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, nông sản chất lượng cao có vị trí vững chắc ở Đức và châu Âu, nhiều mặt hàng Đức cũng ngày càng thông dụng và rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

Gợi mở một số định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp Đức ủng hộ mạnh mẽ để Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) nhằm tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư lâu dài, ổn định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên hợp tác trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng chiến lược; công nghiệp hóa dược, chuyển đổi xanh, ứng phó  biến đổi khí hậu….

Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi“, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, với nhiều doanh nghiệp Đức và châu Âu, Việt Nam rất quan trọng vì nằm trong mạng lưới kinh tế rất phong phú của châu Á và sức đề kháng của Việt Nam trong thời gian dịch bệnh là rất ấn tượng, với những thế mạnh nổi bật về nguồn nguyên liệu và lao động.

185a72ece3944c0c7a48c3c38df75321-1668346593287279159052.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Olaf Scholztham chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự hội nghị bàn tròn – Ảnh: VGP

* Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2022, tháng 10/2022, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức thành công chương trình xúc tiến trong lĩnh vực logistics cho gần 30 doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh của đoàn được triển khai tại các thành phố, bang lớn của Đức như Frankfurt, Düsseldorf, Duisburg, Cologne, Hamburg, Berlin, Leipzig.

Ông Trần Thanh Hải (Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu)cho biết logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng với trên 30.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, giao nhận, chuyển phát… Đại diện của NRW. Global Business, bà Astrid Becker đã cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu về hoạt động logistics của Đức nói chung và bang North Rhine Westphalia nói riêng, và cho biết các doanh nghiệp Đức rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặt Việt Nam là một trong 5 thị trường ưu tiên hợp tác phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Đức là trung tâm địa lý của EU, có thị trường logistics lớn nhất châu Âu và cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến nhất giúp tiếp cận dễ dàng hơn 500 triệu người tiêu dùng ở châu Âu. Hiệp định EVFTA là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trao đổi hàng hóa và cũng là cơ hội để phát triển hợp tác logistics với Đức và EU.

* Đức hiện có 437 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng đầu tư đạt 2,34 tỷ USD, tăng 2,87 lần so với năm 2010 (đứng thứ 18/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU). Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%). Gần 400 doanh nghiệp Đức, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *