Doanh nghiệp logistics thích ứng với tình hình mới – Bài 2: Thay đổi phương thức hoạt động

Doanh nghiệp logistics thích ứng với tình hình mới – Bài 2: Thay đổi phương thức hoạt động

Các doanh nghiệp logistics đang ứng dụng công nghệ mới vào vận hành và có cách tiếp cận với khách hàng mềm dẻo, linh hoạt hơn để vượt qua khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãỹ vì COVID.
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu và được dự báo sẽ còn kéo dài, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã nỗ lực tìm cách thích ứng để tồn tại, vượt qua khó khăn.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics thay đổi phương thức hoạt động, đưa các ứng dụng công nghệ mới vào vận hành và có cách tiếp cận với khách hàng mềm dẻo, linh hoạt hơn.
Bà Chu Thị Kiều Liên, Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty T&M Forwarding (trụ sở chính tại Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, dự đoán dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài, nên lãnh đạo công ty đã chủ động lên kế hoạch kinh doanh dài hơi; chủ động liên hệ với khách hàng để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đào tạo nhân lực cho phù hợp với sự điều chỉnh của khách hàng.
“Khách hàng của chúng tôi rất nhanh nhạy với thị trường, sản phẩm của họ luôn thay đổi theo nhu cầu, vì vậy đòi hỏi đội ngũ nhân viên của chúng tôi phải có nhiều kĩ năng để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Như thời điểm này, xuất khẩu khẩu trang đang là sản phẩm chủ lực của một số công ty, nên chúng tôi cần có giá cước tốt, am hiểu thủ tục hải quan về xuất khẩu trang để phục vụ khách hàng tốt hơn”, đại diện công ty T&M Forwarding chia sẻ.
Ngoài ra, công ty cũng đã triệt để ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí không cần thiết để duy trì mức lương ổn định cho nhân viên, không giảm nhân sự, thậm chí, còn tăng lương cho một số vị trí xuất sắc để khích lệ toàn thể nhân viên cùng công ty vượt qua khó khăn. Trong những thời điểm ít hàng hoặc giãn cách xã hội, công ty tập trung vào việc đào tạo nhân viên để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp.
Trong khi đó, ở góc độ hiệp hội chuyên ngành, bà Phạm Hạnh, Thư ký truyền thông của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiệp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào tìm nguồn tài chính; thúc đẩy cung cấp dịch vụ và người lao động; tăng cường hợp tác quốc tế, giới thiệu khách hàng và thị trường mới cho hội viên.
Ngoài ra, Hiệp hội đã, đang và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến dịch COVID-19 cho hội viên; tư vấn cho hội viên cách thức chủ động luôn đảm bảo duy trì được 50% nhân sự; kêu gọi hội viên cắt giảm chi tiêu hành chính, củng cố, luân chuyển các nguồn lực thiết yếu, chia nhỏ các rủi ro, minh bạch các thông báo, không phụ thuộc nhiều vào thị trường – khách hàng truyền thống, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tuyển dụng đủ nguồn nhân lực có chất lượng đi đôi với đào tạo nhân lực hiện có, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử, e-logistics, … để có thể đương đầu và thích nghi với khó khăn.
Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp logistics Việt Nam, với vị trí địa lý thuận lợi; cơ sở hạ tầng logistics dù còn bất cập nhưng đang không ngừng được cải thiện; xu thế toàn cầu hóa, sự hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và việc ký kết thành công các FTA thế hệ mới, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế lớn để phát triển ngành logistics hơn nữa.

Sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực.
Đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp cả nước, cũng như các chính sách mới ban hành ngay sau cuộc gặp, trên cơ sở những dự báo về một tương lai tươi sáng, các doanh nghiệp cho biết, VLA và các công ty logistics kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thực hiện quyết liệt các chiến lược, chủ trương lớn liên quan đến phát triển ngành logistics đã ban hành từ năm 2011 cho đến nay.

Các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đơn vị chậm cải cách hành chính, hoặc “đẻ thêm” các quy định quản lý gây cản trở, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 10%; giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển Hải Phòng 1 năm; giảm từ 20 – 30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho xe tải 6 tháng đến 1 năm; giảm 30% phí kiểm định phương tiện vận tải; giảm giá điện cho doanh nghiệp kho lạnh, kho mát tương đương giá điện sản xuất; xem xét và duyệt cho nợ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sau 30 ngày vì tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc; kiểm soát các hãng tàu container nước ngoài không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ các cảng, cảng cạn (ICD), kho hàng lẻ (CFS) không tăng phí nâng hạ, bốc xếp, lưu kho; hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong năm 2021.
Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thông quan và kiểm tra chuyên ngành để sớm giải phóng hàng, tránh phí lưu kho bãi; trong thời gian 6 tháng, không đưa ra các khoản thu phí mới cho doanh nghiệp logistics; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường khai thác nội địa, mở rộng kết nối với các nước còn lại trong ASEAN để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hàng qua Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Để chủ động đón đầu “làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị hiện nay, Việt Nam như một ô cờ vua trung tâm mà các kỳ thủ nào cũng muốn sớm chiếm lĩnh” khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, các doanh nghiệp kiến nghị, cần có thêm giải pháp nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển và các bãi chuyển tải tại các cửa khẩu; thống nhất danh mục, mã phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (HS) phù hợp với các nước nhất là khối châu Âu; tạo điều kiện trong cấp chứng nhận C/O để doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu theo hiệp định./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *