Giá dầu thế giới tăng mạnh trong tuần qua

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong tuần qua

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,4%, còn dầu giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,3%.
 
Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 16/6 nhờ nhu cầu của Trung Quốc mạnh hơn và việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã hỗ trợ giá, bất chấp đà suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và triển vọng diễn ra các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 94 xu lên 76,61 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,16 USD lên 71,78 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,4%, còn dầu giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,3%.

Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 3% lên mức cao nhất trong một tuần qua trong phiên giao dịch 15/6 do đồng USD yếu và hoạt động lọc dầu tăng vọt tại nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.

Khép phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,47 USD (3,4%) lên 75,67 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 2,35 USD (3,4%) lên 70,62 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent và WTI kể từ ngày 8/6.

Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc điều hành Kuwait Petroleum Corp cho biết nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023.

Thị trường dầu mỏ được hỗ trợ từ các báo cáo của Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ bất ngờ tăng trong tháng 5/2023 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự kiến vào tuần trước đã khiến đồng USD trượt xuống mức thấp nhất trong 5 tuần so với rổ các tiền tệ khác. Đồng USD yếu khiến dầu thô rẻ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.

Tuy nhiên, ở phiên 14/6, giá dầu thế giới giảm trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay và dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng trong tuần trước.
Mặc dù Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25% tại cuộc họp kéo dài trong hai ngày 13-14/6, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này đã nâng dự báo về lãi suất năm 2023 từ 5,1% đưa ra hồi tháng 3/2023 lên 5,6%. Đây là tín hiệu cho thấy Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm hai lần trong năm nay, với triển vọng nhu cầu dầu mỏ chịu thêm sức ép.

Dự báo giá dầu thô tháng 12 của ngân hàng Goldman Sachs hiện ở mức 86 USD/thùng đối với dầu Brent, (giảm từ mức 95 USD/thùng) và 81 USD/thùng đối với dầu WTI (giảm từ 89 mức USD/thùng).

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết giá dầu ở mức khoảng 80 USD/thùng là “thực tế”. Ông Shulginov cũng cho biết sản lượng dầu khí ngưng tụ của Nga dự kiến sẽ giảm khoảng 20 triệu tấn (400.000 thùng mỗi ngày) trong năm nay.

Tại Iran, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu đã đạt mức cao mới vào năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu khi các nhà sản xuất khác đang hạn chế sản lượng.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 4 giàn trong tuần này xuống còn 552 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, trong khi số giàn khoan khí đốt giảm 5 giàn xuống 130 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Sau các quyết định lãi suất của Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới./.

Theo Minh Hằng (Tổng Hợp)

 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *