Những điều bạn có thể chưa biết về siêu dự án Channel Tunnel

Những điều bạn có thể chưa biết về siêu dự án Channel Tunnel

Siêu dự án Channel Tunnel – đường hầm đường sắt dài 50,45km – nằm bên dưới Eo biển Manche, nối liền Xứ sở Sương mù với phần còn lại của Lục địa Già.


Siêu dự án Channel Tunnel. (Nguồn: ice.org.uk)

Ngày 6/5/1994 được coi là một cột mốc lịch sử đối với nước Anh nói riêng và toàn bộ khu vực châu Âu nói chung khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterand đã chính thức cắt băng khánh thành siêu dự án Channel Tunnel – đường hầm đường sắt dài 50,45km nằm bên dưới Eo biển Manche, nối liền Xứ sở Sương mù với phần còn lại của Lục địa Già.

Đối với người dân Anh, Channel Tunnel là biểu tượng cho sự hội nhập với châu Âu. Đến nay, sau một phần tư thế kỷ, tuyến đường hầm đã đón nhận 430 triệu lượt khách và 86 triệu lượt phương tiện qua lại.

Sau đây là những sự thật thú vị về tuyến đường hầm lịch sử 25 năm tuổi này.

1. Được khánh thành vào năm 1994, Channel Tunnel có chiều dài 31,4 dặm và là tuyến đường hầm dưới biển dài nhất thế giới (23,5 dặm). Nếu xét về tổng thể thì Channel Tunnel dài thứ 13 thế giới (với Delaware Aqueduct của thành phố New York đứng đầu bảng xếp hạng). Độ sâu trung bình của Channel Tunnel là 50m dưới đáy biển.

2. Dự án xây dựng Channel Tunnel có tổng giá trị 4,65 tỷ bảng Anh (tương đương 12 tỷ bảng của ngày nay), cao hơn 80% so với mức dự kiến và tổng thời gian xây dựng là sáu năm (1988-1994). Khi quá trình xây dựng bước vào cao điểm, 13.000 người đã được tuyển dụng để xây Channel Tunnel. 10 công nhân – trong đó có 8 người Anh – đã thiệt mạng khi xây dựng đường hầm.

3. Channel Tunnel thực tế là một tổ hợp gồm ba tuyến đường ngầm – hai tuyến đường hầm dành cho tàu hỏa và một tuyến dịch vụ nhỏ hơn được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chiếc tàu con thoi chạy qua Channel Tunnel dài 775m – bằng với chiều dài của tám sân bóng đá cộng lại, với thời gian di chuyển là khoảng 35 phút.

4. 11 máy khoan với sức nặng tổng cộng 12.000 tấn đã được sử dụng để đào đường hầm Channel Tunnel, con số này thậm chí còn cao hơn cả sức nặng của tháp Eiffel, trong khi mỗi máy khoan có chiều dài bằng hai sân bóng đá. Hiện, một chiếc may khoan vẫn đang nằm dưới lòng Eo biển Manche trong khi một chiếc khác đã được bán trên eBay với giá 39.999 bảng hồi năm 2004.

5. Channel Tunnel được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ công nhận là một trong “Bảy kỳ quan của thế giới hiện đại,” bên cạnh những công trình nổi tiếng khác như Tòa nhà Empire State ở Mỹ, đập thủy điện Itaipu ở Nam Mỹ, Tháp CN ở Toronto của Canada, Kênh đào Panama hay Cầu Cổng Vàng ở San Francisco (Mỹ).

6. Kỹ sư người Pháp Albert Mathieu là người đầu tiên đề xuất xây dựng một đường hầm bắc qua Eo biển Manche. Những đề xuất sau đó đã được xem xét bởi Vua Napoleon III vào năm 1856 và cựu Thủ tướng Anh William Gladstone vào năm 1865. Đến năm 1919, cựu Thủ tướng Anh David Lloyd George đã một lần nữa đề cập đến ý tưởng này tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919.

7. Trung bình mỗi ngày có 60.000 lượt khách đi qua đường hầm, cùng với 4.600 xe tải, 140 xe khách và 7.300 xe con.

8. Kể từ khi đi vào hoạt động, ba vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở phía bên trong đường hầm vào các năm 1996, 2006 và 2012. Nghiêm trọng nhất, vào ngày 18/11/1996, một vụ hỏa hoạn đã làm hỏng 500m đường hầm, gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu chuyển trong 6 tháng. Từ đó, một hệ thống chữa cháy tự động hiện đã được cài đặt.

9. Một số sự cố tàu hỏa đã xảy ra. Vào ngày 18/12/2009, năm chuyến tàu Eurostar đã bị hỏng, khiến 2.000 hành khách mắc kẹt trong 16 giờ mà không có điện, thậm chí là thức ăn hoặc nước.

10. Sự ra đời của kế hoạch cho thú cưng đi du lịch vào năm 2000 đã chứng kiến hơn 2 triệu chú chó và mèo đi qua đường hầm.

11. Năm 2009, nhà cựu vô địch Giải đua xe công thức 1 (F1) John Surtees đã lái chiếc xe thể thao điện Ginetta G50 EV qua đường hầm từ Anh đến Pháp trong khuôn khổ một sự kiện từ thiện. Anh giữ giới hạn tốc độ là 30 dặm/giờ.

12. Ngọn đuốc Olympic đã đi qua đường Channel Tunnel trên đường đến thành phố chủ nhà London vào năm 2012 .

13. Để kỷ niệm tour du lịch Vòng quanh nước Pháp (Tour de France) hồi năm 2014 bắt đầu từ thành phố Leeds (Anh quốc) và kết thúc ở Paris, cua-rơ chuyên nghiệp người Anh Chris Froome của đội Team Sky đã đạp xe qua đường hầm Channel Tunnel. Chuyến đi đã giúp anh trở thành tay đua xe đạp solo đầu tiên làm điều đó với tốc độ tối đa là 40 dặm /giờ.

14. Đường hầm Channel Tunnel là chủ đề chính được nhắc đến trong một bộ phim truyền hình chủ đề tội phạm có tên “Đường hầm,” kể về một thám tử mang hai dòng máu Anh-Pháp trong quá trình tìm kiếm một kẻ giết người hàng loạt đã gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng tại điểm chính giữa của đường hầm.

15. Hàng năm có khoảng 12 triệu bông hồng được chuyển qua đường hầm vào Ngày Valentine 14/2 và khoảng 26% trao đổi thương mại hàng hóa giữa Vương quốc Anh và phần còn lại của lục địa châu Âu đi qua Channel Tunnel mỗi năm, với tổng giá trị 120 tỷ bảng./.

Nguồn: baoxaydung.com

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *