OPEC+ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng bất chấp “làn gió ngược” toàn cầu

OPEC+ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng bất chấp “làn gió ngược” toàn cầu

Nhiều khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tại Vienna (Áo) vào ngày 5-6/12 tới.

OPEC và đồng minh nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tại Vienna. Ảnh: Reuters

Giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nguồn dự trữ dồi dào gây áp lực lên giá dầu, nhiều khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tại Vienna (Áo) vào ngày 5-6/12 tới.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ mức sản lượng của tháng 10/2018 đã được OPEC và một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn, hay còn gọi là OPEC+, nhất trí vào tháng 12/2018. Hồi tháng Sáu năm nay thỏa thuận đã được gia hạn tới tháng 3/2020.

Theo chuyên gia Andy Lipow từ Lipow Oil Associates, thỏa thuận một lần nữa có thể lại được gia hạn tới cuối năm 2020.

Ủy ban kinh tế của OPEC – cơ quan định hướng chính sách quan trọng của khối – tuần trước cho biết, việc duy trì cắt giảm sản lượng vào năm 2020 sẽ giúp thị trường “cân bằng”.

Tuy nhiên, các thành viên OPEC vẫn đang khá thận trọng bởi tình hình kinh tế thế giới không mấy thuận lợi. Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang cản trở đà tăng trưởng của Trung Quốc, nhà tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, giữa lúc nền kinh tế châu Âu cũng đang trì trệ.

Ngoài ra, sản lượng của các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC đang lần lượt phá vỡ kỷ lục. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới kể từ năm 2018, còn Brazil và Canada cũng đang đẩy mạnh sản xuất, trong khi Na Uy đang lên kế hoạch tương tự.

Theo ước tính chính thức mới nhất từ Mỹ, tổng lượng dầu dự trữ của nước này hiện đang đứng ở mức 452 triệu thùng.

Các nhà phân tích cho rằng sự kết hợp các yếu tố này sẽ khiến OPEC khó thay đổi chính sách nếu tổ chức này mong muốn thực hiện mục tiêu đã đề ra là đảm bảo một thị trường “công bằng và ổn định”.

Một ẩn số lớn trong cuộc họp sắp tới là Nga. Kể từ cuối năm 2016, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới đã tham gia OPEC+.

Tuy nhiên, nhóm này đã xuất hiện một vài tín hiệu mâu thuẫn trong thời gian gần đây. Sản lượng dầu của Nga thường xuyên vượt hạn ngạch theo thỏa thuận mới nhất với OPEC+, tương tự Iraq và Nigeria.

Trong khi đó, Saudi Arabia vẫn tuân thủ hạn ngạch đã cam kết và kêu gọi các đối tác hành động tương tự. Thậm chí, ông Lipow nhận định rằng, nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC “đang đè nặng lên vai của Saudi Arabia”./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *