Quảng Ninh: Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

Quảng Ninh: Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

(Xây dựng) – Ngày15/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế (HC-KT) đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Ông Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt đến dự.


Quang cảnh Hội thảo.

Ngay sau kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉnh lý dự thảo Luật và cho ý kiến về một số vấn đề lớn tại phiên họp thứ 20; báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương và thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh ở đặc khu; báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị 7 nội dung lớn của Dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt.

Căn cứ ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nghiên cứu và tham gia 16 nội dung đối với Dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, liên quan đến: Quy hoạch đặc khu; thời hạn thực hiện giải ngân vốn đầu tư; ngành nghề ưu tiên tại Đặc khu Vân Đồn; thủ tục đầu tư kinh doanh; thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại đặc khu; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại đặc khu; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt…

Ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư Tỉnh ủy dự tham gia ý kiến.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, ông Phạm Minh Chính cho rằng tỉnh Quảng Ninh cần phải rà soát Dự thảo Luật theo đúng kết luận, tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị để triển khai áp dụng thực hiện các cơ chế, chính sách, ngành nghề tại đặc khu. Trong đó, đối với cơ chế chính sách, xác định đối tượng ưu tiên thì phải được đưa vào luật để biến các đặc khu thực sự là “lò thí nghiệm” của thể chế, đủ sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đối với ngành nghề trong luật phải phù hợp với xu thế phát triển hiện đại của thế giới, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của từng khu và là cực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các đại biểu khác hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh đối với việc tham gia ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt và cho rằng, trong luật phải thể hiện rõ các đặc khu kinh tế là trung tâm tài chính; có cơ chế lựa chọn chủ thể đầu tư; là nơi sử dụng nguồn lao động trình độ cao; nguồn thu nhập đảm bảo cho đời sống an sinh, xã hội; cán bộ làm việc trong bộ máy chính quyền đặc khu phải có đức, có tài; có cơ chế quản lý tài chính, quản lý đất đai; có cơ chế quản lý lao động đặc thù riêng…

Dự hội thảo, ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Quảng Ninh đã chủ động xây dựng Đề án từ năm 2012, trình Trung ương và được Bộ Chính trị thống nhất cho triển khai xây dựng ở 3 tỉnh (Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang). Quảng Ninh sẽ tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp của đại biểu tại hội thảo, hoàn thiện báo cáo trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

PV

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *