Thẩm định quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050

Thẩm định quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050

(Xây dựng) – Ngày 27/10, tại Bộ Xây dựng, đã diễn ra Hội nghị thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành là thành viên hội đồng cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai.


Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn phát biểu tại Hội nghị.

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp quy hoạch vùng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 15.510,99km2. Phạm vi nghiên cứu mở rộng hơn bao gồm các vùng tỉnh trong vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Thời hạn lập quy hoạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với sự cần thiết nhằm tạo môi trường sống thích hợp, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho người dân tại các đô thị. Giải quyết các tồn tại, bất cập trong thực trạng phát triển không gian vùng tỉnh hiện nay, làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch chung các đô thị và quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù trong tỉnh, xây dựng chương trình phát triển đô thị.

Xây dựng và phát triển vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Định hướng là sẽ kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch xây dựng với phát triển kinh tế, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, duy trì quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Định hướng phát triển không gian vùng được xác định rõ ràng đó là khai thác và tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện địa hình để xây dựng phát triển các đô thị, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất xây dựng đô thị. Khu dân cư nông thôn được giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển cư trú nông thôn, tạo động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng sẽ được định hướng phát triển trên cơ sở hình thành khung cấu trúc lưu thông vùng, thiết kế mạng lưới giao thông đảm bảo phù hợp với cấu trúc không gian giữa các đô thị khác trong khu vực. Cập nhật mạng lưới giao thông đối ngoại bao gồm đường bộ, đường sắt quốc gia, đường không, đường cao tốc quốc gia, tổ chức hệ thông giao thông đối ngoại, nội bộ theo các giai đoạn quy hoạch.

Bên cạnh đó là có dự báo nhu cầu cấp nước toàn vùng, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ thương mại. Rà soát các dự án hồ cấp nước trên địa bàn, đề xuất giải pháp cấp nước theo hệ thống diện rộng trên toàn tỉnh và cho các phân vùng, xem xét đến một số khu vực xây dựng tập trung lớn.

Hội nghị ghi nhận ý kiến đóng góp từ các thành viên Hội đồng thẩm định về các vấn đề trong quy hoạch vùng tỉnh như cần đưa thêm các mục tiêu, định hướng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo; đồng thời đơn vị lập đề án quy hoạch cũng cần cân nhắc trong việc sử dụng khái niệm đô thị vệ tinh, một số chỉ tiêu trong đánh giá nên rà soát kĩ hơn; phần dự báo mang tính chất liệt kê chưa thực sự đầy đủ, trong quy hoạch nghĩa trang còn thiếu cơ sở hỏa táng, các chỉ tiêu về chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị, mức độ hạ tầng cũng nên cập nhật đầy đủ hơn.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị đơn vị sửa lại dự thảo quyết định, trong dự thảo Tờ trình cần trình bày rõ mục tiêu cụ thể. Định hướng phát triển không gian nên tập trung vào một số điểm nhấn chính, an ninh quốc phòng cũng nên bổ sung thêm. Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng vùng phải thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực của tỉnh Gia Lai. Tỉnh hiện nay đang xây dựng cổng cửa khẩu quốc tế Việt Nam – Campuchia cần lưu ý kiểm tra giám sát chất lượng chương trình, hồ sơ kết cấu phải được đơn vị tư vấn có uy tín thẩm tra, quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phải có tính khả thi cao để thu hút được nhà đầu tư. Đánh giá hiện trạng cần xác định rõ phần chính đó là hiện trạng sử dụng đất đai, hiện trạng phát triển đô thị, hiện trạng về phát triển kinh tế để có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn trong tập trung phát triển thế mạnh của vùng.

Hà Đào

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *