“Biến số” của những căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu

“Biến số” của những căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu

Các nhà kinh tế ở Mỹ lo lắng rằng, việc phong tỏa các thành phố quan trọng của Trung Quốc sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/3, Chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay, nhưng mục tiêu này hiện có vẻ khó khăn và gần như xa vời. 
Ngày 14/3, Trung Quốc ghi nhận 5.370 trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Đây không phải là một con số đáng kể ở nhiều quốc gia, nhưng ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn thấp một cách đáng lo ngại, thì lại là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính sách “không COVID” (Zero COVID) vẫn đang được Trung Quốc duy trì. 
Phần lớn các ca nhiễm ban đầu là ở Cát Lâm, sau đó nơi này bị phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa với mức độ nghiêm trọng khác nhau cũng đã được áp dụng đối với Thượng Hải và Thâm Quyến, hai thành phố chiếm hơn 16% xuất khẩu của Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, bất kỳ người dân nào muốn rời khỏi thành phố đều phải có kết quả âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ trước đó. Các công viên, địa điểm vui chơi giải trí và trường học dành cho trẻ nhỏ cũng đều bị đã bị đóng cửa. Nhiều chuyến bay và xe buýt ra vào thành phố đã bị hủy. Toàn bộ dãy căn hộ sẽ bị phong tỏa nếu bất kỳ ai sống trong đó bị nghi ngờ có tiếp xúc với ca dương tính COVID-19.
Những hạn chế ở Thâm Quyến, thành phố với hơn 17 triệu dân, còn chặt chẽ hơn. Các dịch vụ tàu điện ngầm và xe buýt đã bị đình chỉ cho đến ngày 20/3. Các khu nhà ở và khu công nghiệp đã bị phong tỏa. Mọi người đều phải làm việc tại nhà hoặc hoàn toàn không phải làm việc, trừ khi giúp cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như thực phẩm và vệ sinh, cho thành phố hoặc cho Hong Kong (Trung Quốc), nơi cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Việc Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa đối với các thành phố này đang gây ra mối đe dọa rõ ràng đối với chuỗi cung ứng của thế giới. Thâm Quyến chiếm gần 16% xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc. Foxconn, công ty sản xuất iPhone cho Apple, đã tạm ngừng hoạt động tại các nhà máy của mình trong khu vực này.
Các liên kết khác trong chuỗi cung ứng công nghệ, chẳng hạn như Unimicron Technology, công ty sản xuất bảng mạch in, cũng đã tạm dừng sản xuất. Và ở khu phố Huaqiangbei của Thâm Quyến, các chợ điện tử bán buôn, địa danh của “toàn cầu hóa cấp thấp”, cũng không còn nhộn nhịp nữa.
Cảng Yantian thuộc Thâm Quyến, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới, trong giai đoạn cao điểm, có thể xử lý hơn 1,4 triệu container hàng điện tử, đồ nội thất, phụ tùng ô tô. Sau đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 5/2021, cảng Yantian đã phải hoạt động chỉ với 30% công suất. Điều này góp phần tạo nên tình trạng ùn ứ tại cảng, khi hàng dài tàu bè phải xếp hàng ngoài biển và các tháp container cũng được xếp chồng cao ngất tại các kho bãi của cảng. 

Tàu chở hàng hóa cập cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Johannes Schlingmeier, Giám đốc công ty cho thuê container Container xChange, cảnh báo những đợt phong tỏa mới nhất sẽ “gây ra sự gia tăng về chi phí vận tải vốn đã tăng cao. Việc tăng giá vận chuyển sẽ được cảm nhận trên khắp nước Mỹ… và hầu hết mọi nơi trên thế giới”.
Tác động này thậm chí có thể lan tỏa đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các nhà kinh tế ở Mỹ lo lắng rằng, việc phong tỏa các thành phố quan trọng của Trung Quốc sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Lạm phát tại Mỹ trong tháng Hai đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất trong 40 năm qua.
Một viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp. Ví dụ, Foxconn có một số phương án để điều chỉnh. Công ty có hơn 40 nhà máy ở Trung Quốc và sản xuất phần lớn iPhone bên ngoài Thâm Quyến. Chuyên gia Helen Qiao của Bank of America và các đồng nghiệp chỉ ra rằng, tháng Ba không phải là mùa giao hàng cao điểm đối với hàng hóa được sản xuất tại Thâm Quyến.
Các nhà sản xuất của Trung Quốc sẽ phải trải qua những khoảng thời gian khó khăn để duy trì sản xuất. Chẳng hạn, ở Thượng Hải, một nhà sản xuất phụ tùng xe ô tô đã yêu cầu những công nhân thiết yếu phải sống và ngủ trong khuôn viên nhà máy khi điều kiện cho phép. Chính phủ cũng sẽ cho phép một số nhà máy hoạt động trong tình trạng “bong bóng” tương tự ở Thâm Quyến.
Mối đe dọa kinh tế của đợt bùng phát biến thể Omicron mới nhất này sẽ nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc gần đây đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng, khi tăng 4,9% (đã điều chỉnh theo lạm phát) trong tháng Một và tháng Hai vừa qua. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa sẽ khiến quá trình phục hồi này bị dừng lại, ngăn cản người dân sử dụng các dịch vụ. Ngân hàng Nomura cho rằng, trong điều kiện thực tế, doanh số bán lẻ có thể giảm trở lại trong những tháng tới.
Sự bùng phát dịch COVID-19 cũng đã làm trì hoãn mọi khả năng nới lỏng chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc. Trước đó, các chuyên gia y tế công cộng có ảnh hưởng ở Trung Quốc đã bắt đầu nói về con đường để cùng tồn tại với dịch bệnh và nhu cầu cần thiết để đưa ra một biện pháp ứng phó hiệu quả về chi phí. 
Chính phủ đã phê duyệt chi phí các xét nghiệm kháng nguyên nhanh mà người dân có thể tự sử dụng, dẫn đến suy đoán rằng người dân có thể được phép cách ly tại nhà thay vì ở các cơ sở của chính phủ. China Meheco, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, trong tháng này đã ký một thỏa thuận với Pfizer, để cung cấp viên thuốc kháng virus Paxlovid, giúp bảo vệ những người bị nhiễm không bị diễn biến nặng.
Nhưng đợt bùng phát mới nhất này đã hỗ trợ cho các quan điểm cứng rắn hơn. Trong một chuyến thăm tới Cát Lâm vào ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan cho biết, các tỉnh của Trung Quốc cần tuân theo chiến lược “Zero COVID”, không có sự thỏa hiệp nào khác.
Tuy nhiên, quyết định này có thể buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp với một số mục tiêu khác của mình. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc từ 5,3% xuống 5,1%. Morgan Stanley cho rằng, GDP của Trung Quốc có thể không tăng trưởng trong quý đầu tiên, so với ba tháng trước đó. Nền kinh tế có thể sẽ phục hồi vào cuối năm nay, nhưng nếu Trung Quốc muốn đạt gần tới mục tiêu tăng trưởng của mình, trước tiên nước này sẽ phải nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh./.

Vân Hải (P/V TTXVN Tại London)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *