Bộ Công an, Công Thương thông tin vụ ông Trịnh Sướng
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết từ vụ xăng giả của ông Trịnh Sướng đã giải đáp được tại sao các ô tô, xe máy đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng như thế nào khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả, hàng hóa lớn, như xăng dầu trong thời gian vừa qua; làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam gây thiệt hại đến uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, thiệt hại những doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bộ trưởng Công an và Công Thương trả lời câu hỏi này của đại biểu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, vì vậy Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 đã có hàng loạt chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu trên địa bàn.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Từ vụ buôn bán xăng giả của ông Trịnh Sướng, ông Trần Tuấn Anh cho rằng sự phối hợp của các lực lượng ở địa phương chưa kịp thời, hiệu quả.
Liên quan tới xăng giả, ông Tuấn Anh dẫn Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quy định Bộ KH&CN chịu trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu, dung môi pha chế. Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường…
“Thực tế do yếu kém, các lực lượng này đã không phát hiện ra được hành vi tinh vi của các tổ chức” – Bộ trưởng Công Thương nói và cho biết hai bộ Công Thương và KH&CN đã kiểm tra, chấn chỉnh lại quá trình thực thi pháp luật.
“Trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra, để đẩy lùi hàng giả tại địa phương thì cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng này… Sau khi có kết luận của công an, Bộ sẽ nghiêm túc cùng các lực lượng chức năng rút kinh nghiệm” – ông Trần Tuấn Anh nói thêm.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án buôn bán xăng giả thuộc doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Vụ sản xuất xăng giả này diễn ra nhiều năm, liên quan đến nhiều cơ quan và đối tượng; phạm vi cung cấp lượng xăng giả này trải dài nhiều tỉnh, từ Nam bộ đến miền Trung, thậm chí đã lan ra một số địa phương phía Bắc.
“Chúng tôi đang điều tra, kết luận về các thủ đoạn và rút ra được nhiều nguyên nhân. Từ vụ xăng giả đó giải đáp được tại sao thời gian vừa qua, các phương tiện ô tô, xe máy đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy. Vì xăng giả làm từ chất tạo cháy pha vào để kích thích lượng xăng dầu gây cháy” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Liên quan đến hàng xuất xứ Made in Vietnam, ông Trần Tuấn Anh cho biết thực tế đã có khung pháp lý với hàng xuất xứ Việt Nam, cụ thể tại Nghị định 43 và Nghị định 31. Tuy nhiên, hai nghị định này hướng tới hai mục tiêu khác nhau.
Nghị định 43 yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức công bố và tự ghi xuất xứ sản phẩm. Nghị định 31 cung cấp điều kiện để doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Theo ông, Nghị định 43 mới dừng ở mức đăng ký xuất xứ, chưa có tiêu chí, hàm lượng cụ thể. Bộ Công Thương đã phát hiện vấn đề này, đã xin phép Chính phủ cùng Bộ KH&CN xây dựng thông tư (liên tịch) về hàng Made in Vietnam. “Dự thảo thông tư bước đầu đã được hoàn thành và đang lấy ý kiến của cơ quan chức năng” – ông Trần Tuấn Anh nói đồng thời khẳng định riêng hàng xuất khẩu vẫn phải thực hiện theo Nghị định 31. |
Trả lời