Đại học Xây dựng luôn nhận thức rõ sứ mạng của mình

Đại học Xây dựng luôn nhận thức rõ sứ mạng của mình

(Xây dựng) – Trường Đại học Xây dựng – một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.


Sứ mạng của trường Đại học Xây dựng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo gắn với mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng là một chiến lược đúng đắn và kịp thời. Trường hiện đang đào tạo 24 ngành/chuyên ngành trình độ đại học, 17 ngành/chuyên ngành trình độ thạc sỹ và 19 ngành/chuyên ngành trình độ tiến sỹ, phủ kín tất cả các lĩnh vực chuyên môn trong ngành Xây dựng.

Từ năm 2016 trường Đại học Xây dựng là một trong những trường đại học thuộc khối ngành kỹ thuật đã tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng tiếp cận C.D.I.O. Mong muốn của trường là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, các kỹ sư, kiến trúc sư sau khi tốt nghiệp có khả năng hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành một quy trình sản phẩm đáp ứng bối cảnh, yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội trong điều kiện cạnh tranh.

Điều mà trường Đại học Xây dựng tự hào hơn cả, đó là trở thành một trong bốn trường của Việt Nam tham gia dự án đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao PFIEV theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, được Ủy ban cấp bằng kỹ sư Pháp (CTI) đánh giá kiểm định và tiếp tục công nhận bằng kỹ sư của Chương trình PFIEV giai đoạn 2016-2022. Đồng thời cơ quan kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật châu Âu công nhận tương đương trình độ thạc sỹ, EUR-ACE Master Pro-gram đối với chương trình PFIEV của Đại học Xây dựng.

Tháng 10/2017, trường lại tiếp tục vinh dự là một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp (HCERES) trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo đại học.


Ông Michel Cosnard – Chủ tịch HCERES trao chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 4 trường Đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã từng phát biểu: “Việc 4 trường đại học đạt chuẩn kiểm định quốc tế đánh dấu sự phấn đấu liên tục của 4 trường trong nỗ lực xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước. Kết quả này không chỉ khẳng định uy tín của 4 trường ở phạm vi trong nước mà trên cả bình diện quốc tế, làm tăng cơ hội hợp tác với giáo dục đại học nước ngoài, thu hút sinh viên các nước đến học, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo”.

Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển và hội nhập, trong những năm qua trường đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, đem lại những hiệu quả thiết thực nâng cao uy tín của Trường trong lòng bạn bè và các đối tác Quốc tế. Trực tiếp tạo cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, giao lưu Quốc tế cho cán bộ và sinh viên của Trường. Việc nghiên cứu hợp tác chuyển giao công nghệ đã được thực hiện với nhiều Trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn toàn cầu như Trường đại học Damstadt của Đức; Tập đoàn Shimizu, JFE- Nhật Bản, Lotte Hàn Quốc. Nhiều hội thảo Quốc tế lớn đã được tổ chức tại Trường như: hội thảo CIB- Mỹ (2010), SBE-Anh (2013), USMCA- Nhật (2013) và Workshop Quốc tế với sinh viên kiến trúc Italia, Nhật Bản, Singapore năm 2014.

Với mục tiêu từ nay đến năm 2020 trở thành trường đại học hàng đầu trong giáo dục và nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng dân dụng, từng bước hội nhập vào hệ thống đại học khu vực và toàn cầu. Trường đã liên tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế, ký trên 100 biên bản thỏa thuận với gần 80 trường đại học Quốc tế và các tổ chức từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới ở châu Âu, Mỹ, châu Á, Úc, Châu Phi cũng như Pháp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức, Nga, Italia, Thụy Điển, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan.


KTS. Hoàng Thúc Hào là người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize.

Cũng trong năm 2017, tại Đại hội Kiến trúc thế giới lần thứ 26 diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize 2017 cho ThS. KTS Hoàng Thúc Hào – giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng. Ban giám khảo công nhận những nỗ lực của KTS. Hoàng Thúc Hào trong việc cải thiện chất lượng sống của người nghèo ở vùng cao và nông thôn của Việt Nam, trong khi vẫn tôn trọng văn hóa truyền thống địa phương và môi trường tự nhiên. KTS. Hoàng Thúc Hào là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng này nhờ những đóng góp trong sáng tạo kiến trúc cho người nghèo ở vùng cao và nông thôn Việt Nam.

Gần đây, Trường đã gửi 35 đồ án tham gia dự thi Giải thưởng Loa thành lần thứ 29, với 24 đồ án thuộc khối Kỹ thuật Xây dựng, 11 đồ án thuộc khối Kiến trúc và Quy hoạch. Kết quả, Trường đã có 17/35 đồ án đạt giải cao với 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 6 giải Ba, 5 giải Hội đồng.

Như vậy, nhận thức rõ sứ mạng của mình, tập thể cán bộ viên chức của trường Đại học Xây dựng luôn nỗ lực hết mình với mục tiêu xây dựng trường thành một trường Đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, một môi trường đại học hiện đại, sáng tạo và phát triển.

Trải qua hơn 60 năm đào tạo, 50 năm xây dựng và phát triển, với đông đảo đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với với sự nghiệp đào tạo, trường Đại học Xây dựng đã cung cấp cho đất nước hơn 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư; hơn 5.000 thạc sỹ và hàng trăm tiến sỹ thuộc nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng. Đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư tốt nghiệp Đại học Xây dựng đã và đang đóng góp sức mình trên các công trường xây dựng, nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị, khu vực biển đảo… khắp mọi miền của tổ quốc, đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương, trong các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Khánh Phương

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *