Để chính sách dự trữ quốc gia phát huy hiệu quả

Để chính sách dự trữ quốc gia phát huy hiệu quả

Dự trữ quốc gia (DTQG) là bộ phận dự trữ đặc biệt của dự trữ hàng hóa trong hệ thống logistics. Trước những tác động khó lường của thiên tai, dịch bệnh…, DTQG càng có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, củng cố và phát huy thành quả phát triển kinh tế – xã hội, bình ổn thị trường. Dưới đây là một số kiến nghị góp phần phát huy hiệu quả của công tác DTQG, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

DTQG có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, củng cố và phát huy thành quả phát triển kinh tế - xã hội, bình ổn thị trường

DTQG có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, củng cố và phát huy thành quả phát triển kinh tế – xã hội, bình ổn thị trường

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, sứ mệnh, công cụ DTQG

DTQG là dạng đặc biệt của dự trữ được Nhà nước hình thành và sử dụng nhằm chủ động đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh… Nhưng hiện nay, do nhận thức và thực tại các quy định của pháp luật về DTQG chưa thật đầy đủ, dẫn đến trong một thời gian dài với nhiều biến động, nhất là do dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19…, lực lượng DTQG chưa phát huy hết vai trò đặc biệt, cấp bách của mình. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về vai trò của DTQG cho đội ngũ cán bộ quản lý các ngành, các cấp sẽ là cơ sở, môi trường để DTQG phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Luật DTQG

Luật DTQG được ban hành và có hiệu lực từ năm 2013, đến nay, trong bối cảnh phát triển mới, đã đến lúc cần có sự nghiên cứu, bổ sung phù hợp. Đặc biệt là việc xác định bổ sung mục tiêu của DTQG, chính sách của Nhà nước, danh mục hàng dự trữ, phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ, các quy định về quản lý, sử dụng hàng DTQG. Các vấn đề về mua, bán hàng dự trữ, dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics cùng với hệ thống pháp luật liên quan mật thiết cần điều chỉnh như: Luật Thương mại, Luật Đấu thầu,…

■ Theo Điều 3, Luật Dự trữ Quốc gia 2013, DTQG được Nhà nước hình thành và sử dụng nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. “Trong nền kinh tế thị trường, dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia là một trong những công cụ quan trọng giúp cho Chính phủ can thiệp vào thị trường khi cần thiết”.

Ngoài ra, cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có sự tích hợp với các chiến lược phát triển thương mại, logistics, giao thông vận tải và công nghệ thông tin…, thay thế cho Chiến lược phát triển DTQG theo Quyết định số 2091/QĐ-TTg, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả đồng thời chức năng kép là chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách… và là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước can thiệp vào thị trường khi cần thiết…

Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã xác định 5 nhóm mặt hàng gồm: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; Nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng. Trong bối cảnh mới, trước những biến động khó lường của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thị trường luôn vận động khó định… cần thiết phải rà soát và bổ sung danh mục trên cho phù hợp, đặc biệt là nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội, bình ổn thị trường… Ngoài việc khuyến khích các địa phương, thành phố sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để mua hàng dự trữ, chủ động đáp ứng yêu cầu tại chỗ, đột xuất, cấp bách…, Nhà nước cần tăng thêm quy mô DTQG so với GDP cao hơn so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển DTQG hiện nay, lên mức 2,0% – 2,5% GDP từ năm 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Không để tình trạng như gần đây, khi thời cơ đến, giá dầu tại Mỹ ngày 20/4/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục (-37,63 USD/thùng) giữa lúc thị trường tiếp tục biến động do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu do đại dịch COVID-19, các nước trên thế giới mua cả hàng trăm triệu thùng nhằm bổ sung vào kho dự trữ chiến lược quốc gia thì chúng ta còn tranh luận “cân nhắc” do thiếu bể chứa và ngân sách…

Đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG

Thực tế, hệ thống kho DTQG được xây dựng cách đây hàng chục năm, công nghệ bảo quản lạc hậu, thô sơ, trong khi đó điều kiện nhiệt độ, thời tiết và khí hậu diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng dự trữ… Do vậy, cần có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG trong phát triển kết cấu hạ tầng logistics Việt Nam để kết nối hệ thống kho dự trữ Nhà nước tại 10 bộ, ngành quản lý trên 08 vùng chiến lược kinh tế – xã hội của cả nước. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa các hình thức thuê ngoài cơ sở vật chất có trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc thù phục vụ cho hoạt động DTQG…

Tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kho, phương tiện kỹ thuật đồng bộ, ứng dụng và đón đầu các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia và huy động được các nguồn lực như hệ thống kho tàng bến bãi, bồn chứa thuê ngoài, kết nối giao thông vận tải, cùng các trang thiết bị bảo quản trong logistics DTQG để giảm tối đa chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Số hóa dữ liệu quản lý hoạt động DTQG

Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin DTQG bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Cần có hệ thống phần mềm quản lý dự trữ quốc gia ứng với từng danh mục dự trữ kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử trong hệ thống, xây dựng hạ tầng số riêng cho ngành… Khi hệ thống thông tin kết nối liên thông sẽ giúp các đơn vị trong ngành minh bạch hóa hoạt động, nhanh chóng cập nhật các phương tiện, hàng hóa được vận chuyển giữa các bên liên quan, kịp thời triển khai các dịch vụ tổ chức xếp dỡ và giao hàng cũng như giải phóng phương tiện vận chuyển, từ đó hạn chế tối đa các chi phí phát sinh cũng như các chi phí không chính thức khác trong mua bán hàng DTQG, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí từ bảo quản,…

Phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp

Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp với những kiến thức sâu rộng về công nghệ logistics và hệ thống logistics cho hoạt động DTQG là nội dung quan trọng cần được tăng cường. Tiếp tục kiện toàn và tổ chức khoa học bộ máy quản lý, hệ thống tổ chức dự trữ quốc gia, đảm bảo sự điều hành tập trung thống nhất, hiệu quả của Nhà nước và các bộ, ngành theo đúng chức năng, lĩnh vực và nhiệm vụ được giao. Nguyên tắc quản lý, sử dụng hàng DTQG quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định tại điều 7 Luật DTQG.

Cần phải tăng cường hơn nữa quản lý Nhà nước về DTQG, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ thanh tra chuyên ngành mà cả thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, đề cao hơn nữa trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…; Phối hợp và phân công quản lý rõ ràng giữa các các bộ, địa phương, đặc biệt là giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… về lĩnh vực này trong triển khai, thực hiện và bổ sung vào Luật và Chiến lược DTQG.

GS.TS. Đặng Đình Đào/vlr.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *