Giá dầu châu Á giảm sau những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng Nga-Ukraine

Giá dầu châu Á giảm sau những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng Nga-Ukraine

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến các thị trường năng lượng trên toàn cầu biến động mạnh trong thời gian qua.

Giá dầu châu Á giảm tới 4 USD/thùng trong phiên chiều 14/3, nới rộng đà giảm trong tuần trước nhờ những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng tại Ukraine và thị trường đang chờ đợi thông tin về chính sách lãi suất của Mỹ.

Giá dầu châu Á giảm sau những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng Nga-Ukraine. Ảnh: TTXVN phát

Vào lúc 14 giờ 41 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giảm khoảng 3,81 USD/thùng (3,4%) xuống 108,86 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,85 USD/thùng (3,5%) xuống 105,48 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này đã tăng cao kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine hôm 24/2 và đã tăng gần 40% giá trị kể từ đầu năm đến nay.

Các nhà đàm phán của Ukraine và Nga dự kiến sẽ có cuộc đàm phán trực tuyến lần thứ 2 vào ngày 14/3 sau khi hai bên đưa ra những đánh giá tích cực sau cuộc đàm phán cuối tuần, mà có thể sẽ có kết quả tích cực trong vài ngày tới.
Ngày 13/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Nga đang có dấu hiệu sẵn sàng có các cuộc đàm phán thực chất về Ukraine, trong khi nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak nói rằng Nga “đang bắt đầu đối thoại một cách xây dựng”.
Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến các thị trường năng lượng trên toàn cầu biến động mạnh trong thời gian qua.
Tina Teng, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết giá dầu có thể tiếp tục điều chỉnh trong tuần này do các nhà đầu tư đang tìm hiểu tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga, cùng với các bên có dấu hiệu đàm phán về một thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng.
Bà Tina Teng cho biết thêm nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến chính sách tiền tệ tại cuộc họp sắp diễn ra trong tuần này của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), mà có thể làm tăng giá đồng USD và gây sức ép lên giá hàng hóa giữa lúc nguồn cung trên thị trường được dự báo thắt chặt lại từ tháng Hai đến đầu tháng 3/2022.
FOMC sẽ nhóm họp vào ngày 15-16/3 để quyết định xem có tăng lãi suất hay không.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng trong tháng 2/2022, dẫn đến mức tăng lạm phát lớn nhất trong 40 năm và dự kiến sẽ tăng hơn nữa do căng thẳng Nga-Ukraine làm tăng giá dầu thô và các mặt hàng khác.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này, động thái sẽ tác động đến giá dầu.
Giá dầu Brent vốn đã mất 4,8% và dầu WTI giảm 5,7% giá trị trong tuần trước và ghi nhận mức giảm nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 11/2021. Điều này diễn ra sau khi giá hai loại dầu này chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 do những lo ngại về nguồn cung khi Mỹ và các đồng minh châu Âu cân nhắc cấm nhập khẩu dầu Nga.
Mỹ sau đó đã thông báo cấm nhập khẩu dầu Nga, còn Anh cho biết sẽ loại dần dầu Nga từ nay đến cuối năm. Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu và dầu thô hàng đầu thế giới, xuất khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 7% nguồn cung trên toàn cầu./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *