Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên 28/4

Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên 28/4

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết giá dầu thô tăng với mức rất nhỏ sau hai phiên bán tháo “ồ ạt” giữa bối cảnh của các dấu hiệu kinh tế trái chiều.

Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên 28/4, song hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh số liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và tình hình bất ổn xung quanh việc lãi suất tiếp tục tăng tác động đến triển vọng nhu cầu.

Bơm xăng cho các phương tiện tại một cây xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 13 giờ 56 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 6/2023 tăng 47 xu Mỹ (0,6%) lên 78,84 USD/thùng. Còn giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 7/2023 tăng 52 xu Mỹ (0,5%) lên 78,63 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 29 xu Mỹ (0,4%) lên 75,05 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này ước tính giảm khoảng 3,5% trong tuần này.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết giá dầu thô tăng với mức rất nhỏ sau hai phiên bán tháo “ồ ạt” giữa bối cảnh của các dấu hiệu kinh tế trái chiều.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại nhiều hơn dự kiến trong quý I/2023, dù cho lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần kết thúc ngày 22/4.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại về khả năng lãi suất tăng, công cụ mà các ngân hàng trung ương dùng để đối phó với lạm phát cao, có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng tại Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (BoE) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều dự định tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới và các nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ dẫn về lãi suất trong tương lai và nền kinh tế toàn cầu. Cuộc họp chính sách của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 2-3/5.

Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa tại công ty chứng khoán Rakuten Securities, nhận định thị trường dầu khá yên ắng vì số liệu kinh tế trái chiều và do thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Về nguồn cung, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 27/4 cho biết Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhận thấy không cần thiết phải tiếp tục cắt giảm sản lượng khi nhu cầu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Tuy vậy tổ chức này có thể điều chỉnh chính sách sản lượng bất cứ lúc nào nếu cần thiết.

Trong tháng này, OPEC+ thông báo đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu lên cao. Thị trường dầu đã sôi động hơn sau thông báo của OPEC+, nhưng sau đó “chùng xuống” do những lo ngại về suy thoái và tác động của nó đối với nhu cầu.
Đầu tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho thấy dự trữ xăng và dầu

Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần này, trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng trước cao điểm đi lại mùa Hè./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *